‘Có bộ trả lời kiến nghị cử tri Đắk Nông nhưng dẫn văn bản tỉnh khác’

26/05/2023 16:21 GMT+7

Chiều 26.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết, cử tri TP.Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã kiến nghị nhiều lần về việc di dời đường dây điện 500 kV hiện đi cắt ngang chính giữa thành phố.
‘Có bộ trả lời kiến nghị cử tri Đăk Nông nhưng dẫn văn bản tỉnh khác’ - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông)

PHẠM THẮNG

Cử tri đề nghị đưa đường dây ra khỏi thành phố để có thêm không gian phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mỹ quan và đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng, sinh hoạt cho người dân.

"Đã có nhiều cử tri phản ánh khi trời mưa đi qua các nơi đường điện đi trũng, thấp gần mặt đường thì nhiều người bị giật ở cấp độ khác nhau, nhất là khi đi xe máy. Ở đây có đại biểu Phạm Thị Kiều cũng đã bị điện giật", ông Mai nói.

Cho biết kiến nghị này đã được Ban Dân nguyện báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, ông Mai tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng sớm di chuyển đường dây điện 500 kV ra khỏi TP.Gia Nghĩa.

Đáng chú ý, đại biểu Mai cũng cũng tỏ ra băn khoăn về chất lượng một số văn bản trả lời. Ông dẫn chứng có một bộ trả lời kiến nghị cử tri Đắk Nông sau kỳ họp bất thường lần 2 Quốc hội khóa XV về một nội dung cụ thể của tỉnh, nhưng lại dẫn chiếu số liệu, văn bản của tỉnh khác, không phải tỉnh Đắk Nông.

Thời gian qua, nhóm ý kiến của địa phương gửi đến Chính phủ, bộ, ngành đã có sự thống nhất trong trả lời. Một số ít trường hợp, chung một vấn đề cần có trả lời đồng bộ, toàn diện, tránh trường hợp câu trả lời chỉ một phần, không bao quát hết.

Ví dụ, cử tri Đắk Nông kiến nghị các dự án điện gió vướng mắc thì Bộ Công thương trả lời, phần đền bù thì Bộ Công thương lại đề nghị gửi câu hỏi cho Bộ TN-MT và Bộ Tư pháp, rất mất thời gian và không kịp có câu trả lời cho cử tri trong kỳ tiếp xúc tiếp theo.

Trả lời chung chung, không có lộ trình cụ thể

“Một số văn bản trả lời theo hướng chung chung, mang tính cung cấp thông tin, chưa có giải pháp giải quyết triệt để vấn đề vướng mắc, bức xúc. Phần trả lời chỉ nêu “sẽ”, “sắp tới”, mà không có lộ trình cụ thể, rõ ràng khiến cử tri tiếp tục kiến nghị, bức xúc”, ông Mai chia sẻ.

Nêu ý kiến tương tự, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng Chính phủ, Quốc hội quyết tâm nỗ lực trong giải quyết kiến nghị cử tri, song ông băn khoăn chất lượng trả lời kiến nghị của cử tri.

‘Có bộ trả lời kiến nghị cử tri Đăk Nông nhưng dẫn văn bản tỉnh khác’ - Ảnh 2.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

PHẠM THẮNG

“Các số liệu gửi tới cơ quan Chính phủ, bộ, ngành cho thấy, có 2.466/2.469 kiến nghị của cử tri được trả lời. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số trả lời kiến nghị cử tri như đại biểu Mai phân tích là giải trình, cung cấp thông tin”, ông An nói.

Đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, “trả lời kiến nghị thì tốt rồi, nhưng trả lời thế nào thì cần phải đánh giá kỹ hơn”. Các kiến nghị cử tri, địa phương gửi về bộ, ngành, Chính phủ hiện vẫn đang trả lời theo hướng theo quy trình, theo quy định của pháp luật, khó đáp ứng yêu cầu mong muốn của cử tri.

“Cần có tiêu chí đánh giá việc trả lời. Làm sao trả lời giải quyết công việc chứ không phải trả lời để biết”, ông An nói và đặt vấn đề, cần giao cho cơ quan nào giám sát vụ việc, số liệu theo dõi, đánh giá; từ đó nâng cao chất lượng giám sát giải quyết kiến nghị cử tri.

Trước đó, báo cáo giám sát trả lời kiến nghị cử tri của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu, một số kiến nghị cử tri chưa được kịp thời giải quyết do công tác phối hợp giữa các bộ, ngành hoặc giữa bộ, ngành với địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.