“Có cái chi để treo?”

07/07/2018 09:27 GMT+7

Đề xuất làm tuyến cáp treo dài 7,6 km từ P.Thanh Hà (TP.Hội An) qua xã Duy Nghĩa (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) của một doanh nghiệp đã “phá sản” ngay từ khâu hình thành ý tưởng, sau khi bị chính quyền TP.Hội An bác bỏ.

Phác thảo về tuyến cáp treo vắt qua 9 cột tháp với 3 nhà ga, 2 bãi đỗ xe, công suất chuyên chở 1.300 - 1.600 khách mỗi giờ với mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng của Công ty CP Tập đoàn NVN thoạt nghe qua rất thú vị. Ở độ cao 45 - 50 m so với mặt sông, trong một lượt đi khoảng 21 phút, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng sông Thu Bồn - làng gốm truyền thống Thanh Hà - phố cổ Hội An, làng mộc Kim Bồng… Nhưng không gian mà doanh nghiệp đang định đặt tuyến cáp ấy lại là di sản văn hóa thế giới Hội An, chưa kể những “đề xuất” liên quan đến diện tích lớn (khoảng 100 ha, gồm cả đất lúa) ở Hội An và Duy Xuyên cần thu hồi phục vụ dự án.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An, khẳng định ngay từ đầu lãnh đạo thành phố đã không đồng ý triển khai dự án này chứ không đợi đến khi báo chí lên tiếng. Thậm chí, lãnh đạo thành phố còn không xếp lịch để doanh nghiệp phối hợp khảo sát địa điểm. Ngoài lý do sẽ mất nhiều diện tích đất lúa hàng chục héc ta, việc phóng tuyến cáp từ phía Thanh Hà sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan khu di sản văn hóa thế giới.
“Hội An thì có cái chi để mà treo?”, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự hôm qua đã đặt câu hỏi cắc cớ như vậy. Ông Sự bình luận, chuyện xin là quyền của doanh nghiệp, nhưng cho hay không lại là trách nhiệm của chính quyền. Và trong câu chuyện này, ông hoan nghênh tập thể lãnh đạo TP.Hội An đã mạnh mẽ từ chối dự án cáp treo. Ông nói thẳng, đó là “quái thai”.
Trên thực tế, lãnh đạo TP.Hội An thời kỳ trước cũng đã nhiều lần từ chối các dự án không phù hợp với không gian đô thị cổ và cảnh quan di sản. Khoảng năm 2000, dự án đầu tư ở bãi Ông bị bác. Năm 2005, chính quyền Hội An đề nghị dứt khoát không giao hơn 30 ha ở bãi Chồng kéo đến tận bãi Làng (cũng ở Cù Lao Chàm) cho doanh nghiệp làm dự án bảo tàng gốm sứ và resort. Công viên quảng trường thành phố không phải chuyển công năng sang khu đô thị, bãi tắm công cộng An Bàng còn nguyên vẹn…, tất cả là do có sự cương quyết của chính quyền. Ngay chùa Cầu cũng suýt bị tháo dỡ toàn bộ để trùng tu (từ kiến nghị tại hội thảo năm 2016) nếu không có những ý kiến phản đối quyết liệt.
Cơ chế xin - cho thường tạo ra kiểu ban phát từ phía cơ quan công quyền. Nhưng xin mà không cho, trong trường hợp cáp treo ở Hội An, lại được hiểu theo hướng ngược lại: quyết liệt, có trách nhiệm, biết lo xa. Đừng để di sản phải “ôm hận” bởi những chuyện đã rồi, như cầu xuyên lõi di sản Tràng An cấp tập dựng trong vòng 4 tháng đến nay lại phải loay hoay tháo dỡ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.