Báu vật làng bị mất
Ông Trần Ngọc Đông, một người yêu di sản, đã thấy nhiều sắc phong Việt Nam được rao bán trên trang của Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ông cho biết: "Đáng chú ý trong số sắc phong ấy có loạt sắc phong của đền Dị Nậu (H.Tam Nông, Phú Thọ). Tháng 5.2021, kẻ gian đã đột nhập vào đền, dùng xà beng cạy két để lấy đi 40 đạo sắc phong là báu vật của làng Dị Nậu".
Ông Đông cảm thán: "Trải qua không biết bao thời gian tìm kiếm, gần hai năm sau vô tình thấy sắc phong đã bên Tàu, dân Tàu đang trả giá để mua. Thực không biết nói gì còn trong lòng đau đớn xót xa".
Ông Đông đang tiếp tục lần theo trang mạng này để đọc dần các nội dung trên sắc phong, sau đó dịch lại và thông báo trên trang Facebook cá nhân của mình để những làng mất sắc phong biết và tìm cách đưa sắc phong hồi hương nếu có thể.
Còn nhớ khi xã Dị Nậu bị mất 40 đạo sắc phong, họ cũng mất luôn cả lượng sách cổ dày khoảng 2 gang. Những hiện vật quý này bị mất ngay trước ngày bầu cử, khi kẻ xấu lợi dụng đêm tối và khu vực xa dân để đột nhập vào đền. Các sắc phong và sách cổ đựng trong két sắt đã bị kẻ trộm lấy mất sau khi phá két. Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó chủ tịch UBND xã Dị Nậu khi đó cho biết: "Cũng chưa rõ hiện vật mất vào đêm 21 hay 22.5, vì 2 ngày đó không có người ở đấy".
Về việc mất cắp sắc phong, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng do nhẹ và gọn nên sắc phong dễ dàng bị đánh cắp. "Hiện tại sắc phong rất khó kiểm soát để khỏi mất. Họ hay để ở hòm tại hậu cung nên nhiều làng bị mất rồi. Có khi cụ thủ từ mang về nhà rồi mất", ông Bài cho biết…
Nhiều cuộc trộm cắp sắc phong đã diễn ra nhiều năm qua trong tình trạng cổ vật này thường để "hớ hênh" trong di tích. Để bù lại, cũng có nhiều nhóm đi chuộc lại hiện vật, sau đó mang về cho làng. Có thể kể đến nhóm Nhân sĩ Hà Đông đang tìm và trao lại sắc phong cho làng. Tại miền Trung, nhóm Tâm Phát cũng nhiều lần tìm và trả sắc phong về đúng chủ, nhóm này có thành viên tích cực là giáo viên dạy văn Hồ Hải Hà.
Tổng kiểm kê sắc phong?
Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) vừa có văn bản đề nghị các sở quản lý văn hóa các tỉnh, thành là Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên trang mạng Trung Quốc đang gây xôn xao.
Cục cũng đề nghị thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… và các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản và các hồ sơ liên quan đến vụ việc mất cắp sắc phong này), báo cáo UBND tỉnh và Bộ VH-TT-DL để phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật về di tích gốc, bảo tàng và các địa điểm liên quan theo nội dung Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà Việt Nam tham gia.
Cục Di sản văn hóa đề nghị các sở VH-TT-DL phối hợp chặt chẽ với Cục Di sản văn hóa trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong; xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương. Đồng thời, đề nghị các sở triển khai thực hiện và báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17.4.2023 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Động thái này của Cục Di sản khiến người yêu di sản nghĩ đến việc liệu có nên có một cuộc tổng kiểm kê sắc phong trên toàn quốc. Còn nhớ, theo bà Hồ Hải Hà khi trả lại sắc phong có nhiều nơi người địa phương không muốn nhận lại. Đó là trường hợp giữ sắc phong kiểu cuộn lại cho vào tủ, dân làng không biết nên lúc mất cũng chẳng hay, còn người giữ ngại điều tiếng nên lặng lẽ không thông báo, Vì thế, việc nhận về sẽ khiến "lộ" việc làm họ làm mất. Hoặc có trường hợp chùa ở Hưng Yên bị mất, nhà sư lo quá bỏ tiền ra làm bản khác giống như bản chụp…
Bình luận (0)