(TNO) Công an Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 2 bị can liên quan đến vụ "cò" chạy công chức giáo viên tại Sóc Sơn.
Đại tá Dương Văn Giáp trao đổi với báo chí
|
Chiều nay 13.10, tại họp báo giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội cho biết, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, bước đầu xác định các bài viết liên quan đến vụ “Cò chạy công chức giáo viên” tại huyện Sóc Sơn đăng trên báo là có cơ sở. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa phát hiện có dấu hiệu tiêu cực liên quan đến việc "chạy công chức" ở lĩnh vực giáo dục trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Trước đó, tháng 12.2014, UBND huyện Sóc Sơn thông báo cắt toàn bộ hợp đồng với 185 giáo viên đã ký hợp đồng năm học 2014 - 2015. Một số nhân viên bị cắt hợp đồng có ý định làm đơn khiếu nại, một số người có nguyện vọng làm hồ sơ để
thi tuyển công chức và tìm mọi quan hệ để lo xin vào công chức nhà nước.
Theo ông Giáp, một số đối tượng đã lợi dụng nhu cầu thi tuyển công chức của các cá nhân, tự nhận mình có quan hệ với lãnh đạo các phòng ban của huyện và TP Hà Nội để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an thành phố Hà Nội đã xác minh, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được và căn cứ đề nghị của Cục Điều tra Hình sự, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc liên quan đến Đàm Hữu Dũng - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng đến Cơ quan điều tra khu vực 1, Bộ Quốc phòng để điều tra theo thẩm quyền.
Cụ thể, khoảng giữa tháng 8.2015, anh Đỗ Văn Triệu là Công an viên xã Hồng Kỳ nhờ anh Nguyễn Văn Hải (Phù Ninh, Sóc Sơn) xin cho chị vợ là Nguyễn Thị Thu Hà vào công chức (ngành giáo dục) huyện Sóc Sơn. Hải cho biết giá chạy công chức 150 - 170 triệu đồng. Tuy nhiên, vụ việc trên không diễn ra do số tiền lớn, gia đình chị Hà không thể thu xếp được. Sau đó, một người phụ nữ khác tiếp cận với Hải, và được Hải giới thiệu tới gặp Đàm Hữu Dũng (44 tuổi) là Giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự. Khi gặp, Dũng cho biết có khả năng chạy công chức tại huyện Sóc Sơn với chi phí khoảng 200 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, Dũng khai bản thân không có quan hệ và khả năng xin vào công chức, do khó khăn về kinh tế nên nảy sinh ý định
chiếm đoạt tài sản.
Cũng liên quan tới "cò" chạy công chức giáo viên ở Sóc Sơn, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Văn Ánh (Trung Giã, Sóc Sơn), Ngô Thị Toàn (Phổ Yên, Thái Nguyên) về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tháng 7.2014, bà Ngô Thị Toàn (trú tại Bắc Sơn, Sóc Sơn, nguyên giáo viên Trường tiểu học Sóc Sơn A) nhận 120 triệu đồng để chạy công chức cho hai phụ nữ tên Nguyễn Thị Ngân và Ngô Thị Lư. Bà Toàn đưa cho Trần Văn Ánh (trú tại Trung Kiên, Trung Giã, Sóc Sơn) là nhân viên quản lý chợ Nỉ, Sóc Sơn 100 triệu đồng để chạy công chức, giữ lại 20 triệu.
Tuy nhiên, đối với 2 trường hợp nêu trên, theo đại tá Dương Văn Giáp, qua điều tra xác minh cho thấy, chị Lư và chị Ngân đã thi tuyển công chức tại huyện Sóc Sơn đạt điểm cao, minh bạch, công khai và đúng quy trình. Thực chất, các đối tượng đã nhận tiền nhưng không giúp gì cho chị Lư và chị Ngân.
Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho hay, đây không phải lần đầu tiên Sóc Sơn có thông tin về việc chạy công chức và cũng không phải là nơi duy nhất của Hà Nội có thông tin này. Ông Phong cũng khẳng định, hiện nay Sóc Sơn tổ chức thi cử nghiêm túc, sòng phẳng, cạnh tranh lành mạnh.
Bình luận (0)