Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ giúp TP.Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững, đồng thời là động lực cho cả vùng ĐBSCL.
Trao đổi với PV Thanh Niên về những kỳ vọng từ các cơ chế, chính sách đặc thù trên, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết TP.Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc T.Ư, có vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, là giao điểm của 2 trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng ĐBSCL, là trục hành lang TP.HCM - Cần Thơ và trục sông Hậu (An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng), đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh cho toàn khu vực. Thời gian qua, dù đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển, nhưng những gì TP.Cần Thơ đạt được vẫn chưa thực sự tương xứng với vị thế là trung tâm động lực của cả vùng ĐBSCL.
Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 59 về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL…”.
Có 8 nội dung cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ, trong đó 6 nội dung liên quan đến thí điểm quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đất đai; quản lý quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đã áp dụng cho một số địa phương. Đặc biệt có 2 nội dung là chính sách mới lần đầu thí điểm cho TP.Cần Thơ nhưng có ý nghĩa quan trọng với cả vùng ĐBSCL.
Thứ nhất là các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP.Cần Thơ, và có quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…
Thứ hai là xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ, để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản. Các doanh nghiệp có dự án tại trung tâm được hưởng ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế và nhận được nhiều ưu đãi… Các cơ chế, chính sách này là giải pháp tăng thẩm quyền, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương trong việc chủ động và phản ứng nhanh, thích ứng kịp thời với những yêu cầu cấp bách về nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng cho địa phương để thu hút các dự án đầu tư.
Khi được QH thông qua, thành phố sẽ cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù này bằng những chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể. Từ đó, giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất để đảm bảo phát huy tối đa lợi ích của các cơ chế, chính sách đặc thù này nhằm đẩy mạnh phát triển TP.Cần Thơ. Trong đó, đặc biệt là đảm bảo cơ chế liên kết, phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù giữa các ngành chức năng của TP.Cần Thơ với các bộ, ngành T.Ư. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kịp thời đề xuất, kiến nghị với T.Ư những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Bình luận (0)