Cơ chế đột phá cho nhân lực bán dẫn

25/04/2024 06:40 GMT+7

Lần đầu tiên một hội nghị lớn về nhân lực cho ngành bán dẫn đã được tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để tìm ra hướng đi đúng trong thời gian ngắn và cơ chế đột phá.

Nhiều 'ông lớn' công nghệ đã vào Việt Nam

Mở đầu hội nghị phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn chiều 24.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ dù ngành công nghiệp này phát triển không đều, tập trung một số nước, vùng lãnh thổ phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu, Đài Loan, song đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước khác. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

TTXVN

Đặc biệt, nhân lực là một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ nhận được sự tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn. Đây là lý do từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư bán dẫn.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn. Hiện có hơn 50 doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...

"Việt Nam đang có cơ hội "nghìn năm có một" để tham gia chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu", Bộ trưởng Dũng nói. Cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Ước tính thế giới cần hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Với nguồn cung lao động dồi dào và lực lượng lao động có chất lượng, nhân lực chính là lợi thế lớn nhất và nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới.

Đề án phát triển nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 tầm nhìn 2045 đã xác định đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Trong đó, có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong lĩnh vực khác của ngành; tối thiểu 5.000 kỹ sư, trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI). Khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế… Theo Bộ trưởng Dũng, với Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM, ĐHQG Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH FPT…, mỗi trường đang có khoảng 3.000 - 6.000 sinh viên ngành phù hợp tốt nghiệp hằng năm, thì con số 50.000 kỹ sư đến năm 2030 hoàn toàn khả thi, thậm chí còn có thể đào tạo được nhiều hơn.

Ngoài ra, việc ứng dụng AI để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng phổ biến và trở thành xu thế chung với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như NVIDIA, Google, Meta, Apple, Microsoft… Vì vậy, trong số 50.000 kỹ sư cần có ít nhất 5.000 nhân sự có trình độ chuyên môn sâu về AI.

Hút sinh viên, giảng viên giỏi ra sao ?

Từ thực tế đào tạo đầu vào, theo Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn, sinh viên ngành bán dẫn được hứa hẹn lương vài trăm triệu một năm, nhưng có đội ngũ giảng viên và giữ được chân họ cũng là vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi cơ chế đặc thù. Mục tiêu đặt ra là đào tạo chuyên gia, với 2 nhóm là chuyên gia giảng dạy được và chuyên gia đầu ngành. Điều này cần sự định hướng dài hơi gắn với các chương trình nghiên cứu, đào tạo dài hạn. Dẫn ví dụ Samsung Electronics đã đặt hàng nhân lực bán dẫn, nhưng chỉ tiêu là 20 thạc sĩ, nên theo ông Sơn, cần định lượng cụ thể đầu ra cho các trường trong đào tạo, từ đó mới thu hút được các sinh viên giỏi đăng ký.

Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Ngọc Dương

TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết mục tiêu từ nay đến 2030 trường đào tạo 1.800 kỹ sư bán dẫn, chiếm khoảng 12% đề án. Ông cũng chia sẻ 5 thách thức trong quá trình đào tạo nhân lực vi mạch là nguồn tuyển, do các em sinh viên vẫn mơ hồ về ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn. "Về giảng viên, ĐHQG quy mô lớn như vậy nhưng tốt nghiệp chuyên ngành bán dẫn là tiến sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay", ông Quân nói và đề cập các thách thức khác như chương trình đào tạo mới và thay đổi liên tục; nơi thực tập cho sinh viên; nghiên cứu về đổi mới sáng tạo và startup… Lãnh đạo ĐHQG TP.HCM cũng đề xuất đẩy nhanh "phòng thí nghiệm dùng chung" với cơ chế vượt trội, mô hình như ĐHQG Seoul (Hàn Quốc) đã áp dụng, mà chính Chủ tịch Samsung cũng tốt nghiệp tại đây.

Còn theo ông Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, trường đào tạo chính thức khoảng 3.500 sinh viên các ngành, với khoảng 150 sinh viên liên quan đến thiết kế vi mạch, vi điện tử công nghệ nano. Dự kiến đến năm 2030, trường có thể đào tạo được từ 1.000 - 1.200 kỹ sư các ngành đúng bán dẫn và chuyển đổi khoảng 6.500 các ngành gần với bán dẫn. ĐH Bách khoa cũng sẽ quyết liệt thu hút nhân tài để trở thành giảng viên với cơ chế riêng. Ông Thắng cho hay vừa qua đã tuyển dụng được 2 - 3 phó giáo sư xuất sắc ở nước ngoài quay trở về Việt Nam làm việc. Đây cũng là giải pháp để giải bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay, vừa là nguồn lực để phát triển các phòng thí nghiệm nghiên cứu, vừa là chủ lực chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo lại nguồn giảng viên.

"Nếu thu hút sinh viên giỏi là đầu vào thì đầu ra đi đâu ? Những thiết kế, sản phẩm của sinh viên cần đưa vào trong các trung tâm đổi mới sáng tạo, từ đó có thể phát triển thành những hệ thống thông minh, hạ tầng thông minh, hình thành các DN", ông Thắng nói. Mặt khác, đây là lĩnh vực cần đầu tư lớn nên để tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, cần có sự đầu tư, kết hợp các trung tâm để hình thành các phòng thí nghiệm lớn đạt đẳng cấp, thu hút các chuyên gia trên thế giới.

Bài toán cuối cùng là thị trường, phải có sự chung sức của DN, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách và sự sẵn sàng của trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực cao. "Đầu ra của chúng tôi là sinh viên, cũng chính là đầu vào của thị trường. Có thị trường là con người thì sẽ có thị trường là các sản phẩm kèm theo", Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

Nhìn từ góc độ DN, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam, đánh giá nhu cầu bán dẫn sẽ vẽ lại vị trí việc làm trên thế giới. Việt Nam cần chiến lược rất bài bản, sâu sát nhưng thời gian không có nhiều, do đó kế hoạch phải rất nhanh, cụ thể. Chiến lược liên quan đến rất nhiều góc độ từ đầu tư, nguồn lực cho đến con người, hạ tầng công nghệ…

Đột phá của đột phá

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng với thực tế 20 năm qua đã đào tạo hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực CNTT, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030. Các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.

Cạnh đó, Việt Nam đã có quá trình lâu dài và đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực với nhiều nước, như ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Mỹ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Các tập đoàn hàng đầu NVIDIA, Samsung… cũng quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng cứ điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.

Nhấn mạnh quan điểm coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng yêu cầu đa dạng hóa các loại hình đào tạo và nguồn lực. Theo đó, hoàn thiện thể chế cho đào tạo nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù. Đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất… Đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp.

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" với cơ chế, chính sách phù hợp; phối hợp với các địa phương trong triển khai; thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trong nước. Bộ TT-TT khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Bộ GD-ĐT lên kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn, xây dựng phương án hợp tác, chương trình, giáo trình, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu mở thêm chuyên ngành. Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách visa, tạo thuận lợi thu hút chuyên gia nước ngoài trong ngành bán dẫn nói riêng và đào tạo nhân lực nói chung...

Việt Nam có lợi thế con người, trữ lượng đất hiếm

Việt Nam có lợi thế về gien khoa học công nghệ. Đặc biệt là nước thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, sau Trung Quốc. Việt Nam cũng là một trong số ít nước có 20 năm làm công nghiệp bán dẫn, có những nền tảng bước đầu. Chúng ta có lắp ráp, có thiết kế, casting với khoảng trên 6.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này. Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam một cách hoàn chỉnh theo lộ trình 30 năm cần chia 3 giai đoạn: tự chủ đầy đủ các công đoạn bán dẫn; phát triển công nghiệp bán dẫn đi cùng phát triển công nghiệp chủ lực và công nghiệp chuyển đổi số; xây dựng Việt Nam thành tháp nhân lực toàn cầu về ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Hiện các khu công nghiệp của Bắc Giang có 3 DN sản xuất trong công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc và Pháp, với hơn 8.000 lao động. Công ty của Hàn Quốc cũng đã tuyển sinh viên của Trường CĐ Việt Hàn theo chương trình đào tạo về bán dẫn do Hàn Quốc tài trợ ODA. Được sự đồng ý của Thủ tướng, Bắc Giang cũng đã triển khai 2 đoàn công tác đi Nhật Bản và Đài Loan, gặp gỡ các nhóm và có những trao đổi, ký kết để hỗ trợ đào tạo ngành bán dẫn. Tỉnh cũng đã phê duyệt đề án triển khai đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; miễn phí 100% cho tất cả cán bộ viên chức của tỉnh học thạc sĩ về CNTT, miễn phí 100% cho những ai học những ngành gần CNTT… Tỉnh cũng đề nghị cần nghiên cứu để có cơ chế hỗ trợ khu đô thị bán dẫn. Tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch khu này để phục vụ cho sự phát triển của công nghiệp bán dẫn theo hướng đô thị bán dẫn.

Ông Mai Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.