'Cởi trói' để đột phá khoa học - công nghệ

Cơ chế tài chính là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn'

22/01/2025 06:11 GMT+7

Cả các nhà khoa học lẫn nhà quản lý đều cho rằng, cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn', đang trói buộc, làm nản lòng các nhà khoa học.

Nghiệm thu xong mới mua thiết bị

"Có những đề tài KH nghiệm thu xong thì các thủ tục thanh toán mới xong, lúc ấy mới bắt đầu… mua sắm trang thiết bị (TTB) nghiên cứu (?!)", PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, kể lại một "nghịch lý" đang trói buộc các nhà KH.

Ông Điền chia sẻ, việc xây dựng dự toán, phê duyệt, rồi đấu thầu mua sắm TTB cho tới khi kết thúc dự án nghiên cứu thì các bộ hồ sơ thanh toán nhiều "khủng khiếp". Điều này chiếm rất nhiều thời gian, gây rất nhiều khó khăn, đặc biệt là với các chủ nhiệm đề tài, trưởng nhóm nghiên cứu và có thể làm nhụt chí bất cứ nhà KH nào. Với những đề tài nghiên cứu có hạng mục mua sắm TTB, chỉ riêng việc chuẩn bị hồ sơ để thực hiện việc mua sắm có thể kéo dài cả năm trời, trong khi một đề tài KH hiện nay thường chỉ giới hạn từ 2 - 3 năm.

Cơ chế tài chính là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn'- Ảnh 1.

Các nhà khoa học mong muốn được “cởi trói” thực sự để chú tâm hoàn toàn vào hoạt động khoa học

ẢNH: GIA HÂN

Điều này đẩy các nhà KH vào tình cảnh phải xoay xở đủ cách nếu muốn làm nghiên cứu KH. "Có nhà KH phải mang tiền nhà đi mua sắm TTB, tôi từng gặp những trường hợp như vậy. Có những người phải sử dụng TTB ở nơi họ không làm việc chính thức. Hoặc họ vận dụng quan hệ quốc tế để sử dụng dữ liệu và TTB của nước ngoài… ", ông Điền kể và cho rằng cơ chế tài chính với nhiều bất cập, rào cản khiến KH-CN không có đột phá dù luôn được đặt ở vị trí "quốc sách".

Thực tế mà ông Điền nêu đã trở thành "chuyện thường ngày", được nhắc tới từ lâu. Tổng Bí thư Tô Lâm tại hội nghị toàn quốc về đột phá KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khi nói về những tồn tại của hoạt động KH-CN đã nói, các nhà KH mất hơn 50% thời gian cho các thủ tục - tức những việc không phải KH. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhiều lần yêu cầu "phải làm sao để hồ sơ thanh quyết toán kinh phí mỏng hơn nhiều so với hồ sơ thuyết minh kết quả đề tài nghiên cứu"…

Vì sao một chuyện ai cũng nghe, cũng thấy nhưng lại chậm thay đổi? Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân gọi cơ chế tài chính là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" trong hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo; và nguồn cơn của điểm nghẽn này bắt nguồn từ việc cấp kinh phí cho các đề tài, dự án KH-CN như đầu tư cho xây dựng cơ bản, tức phải theo kế hoạch của năm tài chính.

Cụ thể là các đề tài, dự án KH-CN hằng năm sẽ được phê duyệt cả về nội dung, sản phẩm, kinh phí, tổng hợp thành danh mục dự án vào dự toán ngân sách của Chính phủ, trình Quốc hội thông qua và Thủ tướng sẽ giao dự toán vào đầu năm tiếp theo. Cơ chế cấp phát ngân sách như đầu tư công trong xây dựng cơ bản, kèm theo định mức chi quá thấp, chậm thay đổi khiến các đề tài phải chờ đợi nhiều năm để được cấp kinh phí và khi được cấp kinh phí rồi thì "thời gian làm hồ sơ thanh quyết toán nhiều hơn thời gian nghiên cứu đề tài".

"Cởi trói thực sự" cho khoa học

Giải pháp cho vấn đề này đã có từ lâu. Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân nói từ năm 2008, Bộ KH-CN đã thí điểm cơ chế quỹ KH-CN đang được các quốc gia phát triển áp dụng với Quỹ phát triển KH-CN quốc gia (NAFOSTED) và đã cho thấy ngay hiệu quả. Với cơ chế quỹ, tiền luôn được bố trí chờ đề tài, không phải có mặt trong danh mục được phê duyệt trước và đề tài được phê duyệt bất cứ thời điểm nào trong năm.

Cơ chế quỹ cũng cho phép chuyển nguồn tự động, nếu kinh phí được bố trí năm trước chưa sử dụng hết thì được tự động chuyển sang năm sau. Cơ chế quỹ cho phép quyết toán một lần khi nghiệm thu, thanh lý hợp đồng nghiên cứu. "Các nhà KH từng thực hiện các đề tài nghiên cứu do NAFOSTED tài trợ đều đánh giá tốt cơ chế quản lý của quỹ vì họ hầu như được giải phóng khỏi các thủ tục hành chính. Người làm KH được dành thời gian nhiều hơn cho nghiên cứu và nâng cao chất lượng kết quả nghiên cứu KH", ông Quân cho hay.

Đáng tiếc, theo ông Quân, hơn 10 năm qua, cơ chế quỹ vẫn chưa được áp dụng dù đã được quy định tại luật KH-CN năm 2013. Nguyên nhân là do luật Ngân sách nhà nước sau nhiều lần sửa đổi vẫn không bổ sung nội dung quy định về cơ chế quỹ KH-CN nên không thể triển khai.

Ông Quân cho biết, hiện luật Ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp 8 (cuối năm 2024) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm nay, song vẫn chưa thấy nội dung về cơ chế quỹ cho hoạt động nghiên cứu KH và phát triển công nghệ. "Ngay cả Quỹ NAFOSTED mấy năm gần đây cũng đang bị "ép" xây dựng dự toán ngân sách như các chương trình KH-CN, tức là theo cách xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản", ông Quân cho hay.

Cùng với cơ chế quỹ trong cấp kinh phí, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với đề tài, dự án KH-CN được coi là giải pháp để đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả nghiên cứu. Đây cũng là thông lệ quốc tế.

"Thông lệ quốc tế rất thoáng cho nhà KH, đặc biệt các nhà KH uy tín. Chẳng hạn, giao cho họ đề tài nghiên cứu 2 triệu USD thì họ hoàn toàn có thẩm quyền mua sắm TTB phục vụ đề tài. Họ cũng có cơ chế tuyển người và chi trả cho sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh, giúp họ có cộng đồng hỗ trợ trong nghiên cứu. Họ còn có thể thuê chuyên gia trong và ngoài nước để phục vụ trong nghiên cứu mà không bị ràng buộc quá nhiều vào các thiết chế tài chính", PGS Nguyễn Phong Điền nói.

Nhưng bất chấp các thông lệ, nhiều nhà KH cho biết, các nhà KH VN vẫn dành tới 50% cho các loại thủ tục thanh toán và 5 - 7 cuộc họp để "cò kè từng đồng một" với nhà quản lý. Ông Nguyễn Quân nói, dù hành lang pháp lý về cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đã được ban hành đầy đủ, kể cả thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ KH-CN về khoán chi, ban hành từ 2015, nhưng 9 năm qua "hầu như rất ít đề tài được thanh toán theo cơ chế này".

Theo ông Quân, nguyên nhân là hệ thống quản lý tài chính, nhất là Kho bạc Nhà nước chưa chấp nhận hồ sơ thanh quyết toán và thanh lý hợp đồng nghiên cứu như quy định tại các văn bản liên quan, cho rằng đó là quy định của văn bản dưới luật, còn luật Ngân sách nhà nước chưa có quy định này. Vì thế, khi quyết toán vẫn đòi hỏi phải có đủ hồ sơ, chứng từ các nội dung như dự toán đã được duyệt và vẫn phải chi đúng quy định. "Cách làm này làm nản lòng các nhà KH", ông Quân nhấn mạnh.

Ông Quân cho rằng để tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KH-CN theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, cần đồng bộ hóa các quy định pháp luật để tư duy đổi mới của Nghị quyết 57 có tính khả thi, đi vào cuộc sống. Còn PGS Nguyễn Phong Điền thì nói ngắn gọn là phải "cởi trói thực sự" cho các nhà KH. "Mục tiêu cuối cùng là tạo cho nhà KH được chú tâm hoàn toàn vào công tác nghiên cứu", ông Điền nhấn mạnh. (còn tiếp)

Nhà khoa học không xin tăng lương, chỉ xin cơ chế

GS-TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng VN, nhìn nhận Nhà nước không thể đầu tư toàn bộ cho KH-CN được mà chỉ nên đầu tư nghiên cứu cơ bản. Với nghiên cứu ứng dụng thì nên để các đơn vị nghiên cứu tự chủ và Nhà nước tạo cơ chế thuận lợi để các viện, trường thực hiện. Ông dẫn chứng, nếu cho phép các viện, trường có thể sử dụng đất đai sẵn có để liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế thì lợi nhuận sẽ rất cao. "Một ha đất nông nghiệp nếu quản lý như bây giờ chỉ được 40 - 50 triệu đồng/ha, nhưng nếu liên doanh, liên kết có thể đạt hàng tỉ đồng/ha. Nguồn lực này có thể trở lại đầu tư cho nghiên cứu, chi lương cho các nhà KH", ông Long nói và cho biết với cơ chế tài chính "rất không hợp lý" hiện nay, 2.600 cán bộ tại Viện Khoa học Nông nghiệp VN đang phải tự túc tới 6 tháng lương. "Nhà KH không xin Nhà nước tăng lương, chỉ xin cơ chế thôi. Nếu cơ chế này được thực hiện sẽ có lợi cho Nhà nước", ông Long nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.