Cớ chi 'một đi không trở lại'?

Thanh Niên hôm qua đưa tin một nhân viên xe buýt tuyến Đà Nẵng - Hội An đòi thu của 2 khách nước ngoài 50.000 đồng/lượt/người thay vì thu đúng giá là 20.000 đồng/lượt/người.

Những chuyện được cho là chuyện nhỏ như thế thật ra chính là một phần lý do của nỗi lo du lịch VN “một đi không trở lại”. Cách nói đầy khôi hài ấy, tiếc thay, lại là một sự thật xót xa của môi trường du lịch VN. Năm 2017 du lịch VN đạt con số ấn tượng 13 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 28% so với năm trước. Nhưng nỗi lo du lịch VN “một đi không trở lại” thì vẫn còn nguyên vẹn đó. Một số liệu của Tổng cục Du lịch VN tại hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” cho thấy 80% khách du lịch quốc tế không quay lại VN. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực lại có tỷ lệ khách quay lại lần hai lên đến 80%.
Đáng nói là con số đáng buồn trên về du lịch VN được nhắc đến không phải lần đầu và hầu như chưa có cải thiện đáng kể qua nhiều năm tháng.
Mà cải thiện sao được khi trong cái mớ nguyên nhân được liệt kê ra, có thứ nguyên nhân liên quan đến tâm thế của không ít người Việt tham gia thị trường du lịch, từ người mua bán tự do đến nhân viên các đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp. Rằng cứ thấy khách lạ, khách nước ngoài thì tranh thủ mà “chặt chém”.
Có những người bán bánh mì bên lề đường, thấy khách nước ngoài đến mua thì vội vội vàng vàng nhét thêm mấy miếng thịt vào ổ bánh mì chục ngàn thường bán để hét giá đô la. Thế là chuyện lên mạng thành chuyện xấu của du lịch VN.
Có những người chạy taxi hay xe ôm, đón khách Tây lên xe mà lòng mừng như giăng được bẫy, chở khách lòng vòng kiếm thêm chút đỉnh. Có biết đâu thời buổi công nghệ, khách có thừa kỹ năng xác định lộ trình trên bản đồ kỹ thuật số. Chuyện thế là lên mạng thành chuyện taxi, xe ôm Việt gian dối, lừa gạt du khách.
Giờ còn phải kể thêm người xé vé xe buýt, giá vé công cộng đã sờ sờ ra đó mà vẫn tìm cách để nâng giá chém chặt khách nước ngoài, kiếm lấy dăm ba chục ngàn mà chẳng thèm biết đến hậu quả của chuyện mình gây ra cho du lịch nước nhà. Và cho chính công ăn chuyện làm của mình.
Đất nước mình có đẹp thêm gấp trăm ngàn lần hay có thêm nhiều di sản thế giới được công nhận đi chăng nữa, thì đó chỉ là lý do để du khách tìm đến lần đầu. Còn những lần trở lại sau đó chỉ có thể là từ sự hấp dẫn nhân văn được xây dựng và duy trì vững bền trong cộng đồng địa phương tại điểm đến. Là từ nụ cười và câu chào thân thiện trên gương mặt mỗi người được gặp. Là từ sự thuần phác và ấm áp trong ứng xử. Là từ ký ức ấm áp du khách có được về con người mà họ từng gặp trong chuyến đi.
Chẳng có du khách nào muốn quay trở lại nơi mà họ thấy mình không được đối xử tử tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.