Có chuyên gia Mỹ tham gia, WHO 'không giấu giếm gì' về Covid-19 với mọi thành viên
21/04/2020 23:31 GMT+7
Ngày 20.4, các quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO khẳng định các chuyên gia Mỹ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 của WHO từ khi dịch bệnh này bùng phát và WHO "không giấu giếm gì" trước các quốc gia thành viên.
Tự động phát
Có 15 nhân viên từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tham gia hỗ trợ WHO chống dịch Covid-19 từ tháng 1.2020.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Có sự tham gia của nhân sự từ CDC nghĩa là chúng tôi không giấu giếm gì với Mỹ từ ngày đầu tiên vì có người Mỹ cùng làm việc với chúng tôi mà. Mọi thứ đều tự nhiên, họ chỉ cần nói họ đang làm gì, và với WHO thì cởi mở thôi vì chúng tôi không giấu giếm thứ gì cả, công khai cả. Không chỉ với CDC, gửi thông điệp cho họ hay các quốc gia khác, chúng tôi muốn mọi quốc gia đều nhận được cảnh báo ngay lập tức".
|
Ông Tedros liên tục bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích vì cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của WHO. Tuần trước, ông Trump cũng tuyên bố ngưng góp quỹ cho WHO. Ngoại trưởng Úc Marise Payne gần đây cũng kêu gọi tiến hành cuộc điều tra độc lập nhằm đánh giá phản ứng toàn cầu đối với đại dịch Covid-19, bao gồm cách xử lý khủng hoảng của WHO.
Cũng trong cuộc họp báo, ông Tedros cho biết WHO đang tiến hành giao 30 triệu bộ xét nghiệm Covid-19 trong vòng 4 tháng tới và sẽ chuyển gần 180 triệu khẩu trang y tế trong tháng 4 và tháng 5.
"Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục dẫn dắt các nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Đến nay đã có hơn 100 quốc gia tham gia thử nghiệm chung để đánh giá các phương pháp điều trị Covid-19 và 1.200 bệnh nhân ngẫu nhiên từ 5 quốc gia đã tham gia thử nghiệm này. Tuần này chúng tôi dự kiến sẽ có hơn 600 bệnh viện từ các quốc gia sẵn sàng bắt đầu đăng kí bệnh nhân. Quá trình chọn bệnh nhân càng nhanh, chúng ta sẽ càng sớm có kết quả", ông Tedros nhấn mạnh.
|
Trong một phiên họp khác hôm 21.4, đại diện WHO tại Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai lưu ý rằng việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa ngăn ngừa đà lây lan của Covid-19 cần được thực hiện từng bước, vì nếu quá hấp tấp sẽ mở đường cho lây nhiễm trở lại.
Trong vài tuần gần đây, khu vực Tây Thái Bình Dương chịu tác động của dịch Covid-19 nhẹ hơn so với Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, số ca nhiễm đang tăng lên ở Nhật, Singapore và nhiều nước khác.
Ông Kasai nói các biện pháp phong tỏa đã phát huy tác dụng nhưng người dân phải sẵn sàng thích ứng với cách sống mới sao cho xã hội vẫn hoạt động nhưng virus được kiểm soát. Ông cũng cảnh báo khả năng đại dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến các chương trình tiêm chủng khác như bại liệt, lao, sởi và rubella, mà nếu để xảy ra có thể gây thêm khủng hoảng cho hệ thống y tế.
Bình luận (0)