Con đường chỉ dài hơn một trăm mét, được mang tên vị tổng giám mục đầu tiên của Giáo phận Sài Gòn, Nguyễn Văn Bình. Gần bốn năm qua, nơi đây đã trở thành một điểm hẹn văn hóa yêu thích của bao người. Một con đường tri thức dành cho tất cả, chẳng phải của riêng ai đã làm nên nét đẹp đặc trưng riêng cho thành phố.
|
Dù ở độ tuổi nào, có yêu và thích đọc hay không, người Sài Gòn vẫn chọn đến chốn này, bất cứ khi nào có thể để có những giây phút bình yên cho riêng mình. Họ đến để ung dung dạo bước giữa một không gian sách nhiều màu sắc, kho tàng kiến thức đầy ắp giá trị tinh thần của nhân loại xưa và nay. Họ dừng lại trước một quán cà phê xinh xắn nằm ngay trên con đường, chọn cho mình một chiếc ghế. Ở đó, trong không gian nhỏ bé và tĩnh lặng, không tiếng còi xe, không khói bụi, không phiền hà vì bị chèo kéo bởi những gánh hàng rong, họ vừa chậm rãi nhâm nhi một tách cà phê vừa nghiền ngẫm cuốn sách yêu thích nào đó. Hoặc đơn giản hơn, họ cứ thế mà ngồi lặng im nhìn mọi thứ chuyển động: bước chân xinh xắn đáng yêu của trẻ thơ, tà áo dài thấp thoáng của thiếu nữ, đôi cánh bé xíu của vài chú chim sẻ chuyền cành trên những ngọn cây, vạt nắng sót lại của hoàng hôn hay từng giọt mưa rơi rả rích giữa hè... Mọi thứ rất yên bình như một dấu lặng đủ suy ngẫm về những khoảnh khắc đáng yêu của cuộc đời và của Sài Gòn trước mặt.
|
Tôi thích ghé đường sách vào những ngày thứ bảy hay chủ nhật, một cách thư giãn cho riêng mình sau một tuần làm việc. Không phải đến chỉ để tìm một cuốn sách hay hoặc chụp một tấm ảnh đẹp mà còn để hòa mình vào các sự kiện văn hóa được tổ chức nơi đây. Những người viết sách, không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài đều thích chọn đường sách như một nơi lý tưởng để giới thiệu tác phẩm của mình với độc giả và giao lưu cùng với họ. Buổi ra mắt tập truyện Cây chuối non đi giày xanh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã từng gây kẹt cứng cả con đường bởi một “rừng” người hâm mộ ông. Nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ, từng rất nổi tiếng trên văn đàn Sài Gòn trước năm 1975, sau một khoảng thời gian dài ở ẩn đã xuất hiện trở lại ở tuổi 80. Bà chưa từng dám nghĩ có một ngày lại có thể về giữa trung tâm thành phố để hào hứng nói về những cuốn sách được tái bản của mình. Còn với những ai yêu thích những trang sách viết về cuộc đời thật của nhà tình báo Nguyễn Xuân Ẩn, đã không khỏi bất ngờ đến mức thú vị khi chứng kiến sự có mặt của tác giả Điệp viên hoàn hảo, Giáo sư sử học Larry Bernan khi ông đến để trò chuyện cùng người hâm mộ.
|
Tôi thích đường sách còn bởi đây là nơi mà gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường tổ chức đêm nhạc đặc biệt dành cho tất cả những ai yêu nhạc của ông. Sự kiện âm nhạc ấy diễn ra mỗi khi ngày giỗ của ông đến. Có lẽ không gian của con đường “tri thức” khá phù hợp với tính cách âm nhạc của Trịnh mà họ đã quyết định chọn nơi đây để người Sài Gòn tụ tập lại nghe, hát và nhớ ông. Và đường sách đã thật sự là một "cõi đi về" hằng năm của nhạc sĩ dù ông đã về với cát bụi. Sân khấu chỉ là một góc nhỏ, vừa đủ chỗ cho ban nhạc, người dẫn chương trình và ca sĩ đứng hát. Thế là đủ. Và từ góc nhỏ ấy, những gì được gọi là "chất" nhất trong âm nhạc của Trịnh đã thật sự lan tỏa. Tình yêu và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau, bao dung và nhân ái... ẩn chứa trong mỗi ca từ, mỗi giai điệu, dù quá quen thuộc vẫn lại lắng đọng và làm rung cảm trái tim bao con người đứng chật kín nhưng rất trật tự kia. Họ nghe và chiêm nghiệm triết lý rất giản đơn của người nhạc sĩ về cuộc sống - một cõi trần gian và đời người - một kiếp ở trọ, để mong mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn trước khi nhịp tim dừng lại, bắt đầu cho cuộc hóa thân vào những hạt bụi hững hờ bay bên kia bờ “cõi tạm”...
Giữa một chốn đô thị đang phát triển và ngày càng trở nên năng động, nhịp sống đôi khi như bị cuốn trôi theo một cơn lũ, dồn dập và hối hả thì một góc nhỏ như đường sách, nơi hạt giống tâm hồn đã được gieo là thật sự đáng quý. Con đường ấy, không chỉ là thiên đường của tri thức mà còn là nơi thật sự khơi nguồn cảm hứng cho tất cả những ai đang gắn bó và yêu thương Sài Gòn.
|
Bình luận (0)