Cô đào hát - nỗi đau đức hạnh

28/08/2023 07:10 GMT+7

Sân khấu Đại Việt của "ông bầu" Hoàng Song Việt vừa ra mắt vở cải lương Cô đào hát (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc phóng tác từ truyện ngắn Người đàn bà đức hạnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, chuyển thể cải lương và đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) tại Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM).

Cách đây 25 năm, vở kịch Người đàn bà đức hạnh đã từng đưa lên sàn diễn với cặp nghệ sĩ Lê Vũ Cầu - Hồng Vân đốn tim biết bao khán giả. Sau đó là phiên bản cải lương với đôi nghệ sĩ Vũ Linh - Phương Hồng Thủy, và Cầm Thanh trở thành vai diễn để đời của Phương Hồng Thủy. Nay, đạo diễn Hoa Hạ làm mới tác phẩm của chính mình với một dàn "sao" trẻ như Quế Trân, Kim Tử Long, Võ Minh Lâm, Minh Trường, và sân khấu lung linh, sang trọng, sinh động hơn rất nhiều, phù hợp với khán giả hiện đại.

Chỉ với 4 nhân vật và chủ yếu xoáy vào tâm lý, bài ca, Cô đào hát có vẻ như không có kịch tính để cuốn người ta đi, nhưng vở tuồng đã thu hút một cách đặc biệt. Sức hút nằm ở diễn xuất tinh tế, ở giọng ca đẹp. Ngoài ra, những màn múa đẹp, những lớp diễn ước lệ, như lúc cô đào Cầm Thanh gặp tên quan ba đã bị hắn bạo hành tinh thần ra sao, hoặc lớp diễn Khắc Chung tiễn đưa Huyền Trân lên thuyền sang Chiêm quốc được dàn dựng lung linh… chứng minh khả năng biến hóa của đạo diễn Hoa Hạ.

Cô đào hát - nỗi đau đức hạnh  - Ảnh 1.

NSƯT Quế Trân và Võ Minh Lâm trong vở Cô đào hát

H.K

Thân phận của Cầm Thanh là cánh hoa thời loạn y như thân phận Huyền Trân công chúa. Họ đều phải lấy sự mong manh của mình để đánh đổi sự thịnh trị của quốc gia, của đoàn hát, tòa báo. Nhưng khi người đời "sực nhớ" lại quá khứ ấy, thì lại buông lời khinh rẻ, mạt sát về đức hạnh của họ… NSƯT Quế Trân thật hợp vai với nhân vật Cầm Thanh. Cô làm nên sự mong manh của một đào hát, sự tinh tế tâm lý trong nhiều hoàn cảnh, sự cố, và sự rạng rỡ, đài các của một Huyền Trân công chúa... Một kịch bản hay giúp thế hệ diễn viên nào cũng có thêm cơ hội rèn nghề và thành công.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.