Cô dâu bỏ đi cùng 2 lượng vàng: Nếu không về, nhà chồng có đòi được vàng?

08/05/2020 19:35 GMT+7

Chuyện cô dâu ở Cà Mau mới cưới 4 ngày bỏ đi mang theo 2 lượng vàng trang sức nhà chồng cho đang tạo nhiều xôn xao trên mạng xã hội . Cả hai chưa đăng ký kết hôn, lại là vàng cho trong ngày cưới, nhiều câu hỏi pháp lý mà bạn đọc Thanh Niên đã đặt ra cho tình huống hi hữu này.

Như Thanh Niên đã đưa tin, sau 1 tháng quen biết qua mai mối, hai anh L.V.P (28 tuổi, xã Nguyễn Việt Khái, H.Phú Tân, Cà Mau) và chị H.T.T (20 tuổi, ngụ TT.Cái Nước, H.Cái Nước, Cà Mau) tổ chức đám cưới. Tổng số trang sức nhà chồng cho cô dâu trong đám hỏi và đám cưới là 2 lượng vàng. Nhưng 4 ngày sau khi tổ chức đám cưới, cô dâu đã cầm hết cả 2 lượng vàng và bỏ đi.
Nhà chồng không liên lạc được nên đã đăng lên Facebook mong cô dâu quay về, nhưng cô dâu liên lạc lại cho biết vì thiếu nợ nên mới phải làm như vậy cùng lời hẹn sẽ đi làm kiếm tiền để trả lại cho mẹ chồng.
Sau khi đăng tải bài viết, bạn đọc có nickname Quán Đỡ Buồn bình luận: "Về lý thì chú rể thua rồi".
Tuy nhiên, một bạn đọc khác lại cho rằng: "Đây là tục lệ việc cưới gả, được pháp luật công nhận trong sự xác lập tài sản chung. Chị này tự ý lấy đi mà không có sự cho phép của người chồng. Đây một là có thể khởi kiện dân sự hoặc nếu đủ yếu tố có thể khởi tố tội trộm cắp". Tài khoản khác nhận định, xét về lý chú rể thắng mới đúng vì cả hai chưa đăng ký kết hôn, mà cô dâu lấy tài sản bỏ đi tức là chiếm đoạt, lừa gạt.

Nếu không về, cô dâu có dấu hiệu lừa đảo

Luật sư (LS) Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát) nêu quan điểm, trong vụ việc này theo tin nhắn mà cô dâu trả lời với chồng khi bỏ đi cho thấy cô thiếu nợ từ trước, có áp lực trong việc trả nợ, nên đây có thể xem là động cơ để cô ấy cưới chàng trai.
"Cô dâu hoàn toàn biết rằng khi cưới sẽ có tiền mừng, giúp cô ấy trả nợ, cuộc hôn nhân này rõ ràng không xuất phát từ tình yêu. Việc cô ta nói không có CMND để không đăng ký kết hôn cũng là một biểu hiện cho việc gian dối, bởi lúc đó họ không phải là vợ chồng về mặt luật pháp. Như vậy vụ việc này có yếu dấu hiệu lừa đảo, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015", LS Phát phân tích.
LS Phát cũng giải thích, nhà chồng là bị hại, vì đã cho vàng vợ chồng cô này, nhưng là đã cho, thì lúc đó số vàng trên là của cô này với anh này. Nhà chồng có lý của họ vì tưởng đó là con dâu thật nên mới cho, nhưng vì cô này ôm vàng bỏ đi liền thì có thể suy luận được đó là giả và đòi lại vàng.
Ngược lại, cô dâu trong hoàn cảnh trên cũng có thể cãi lại rằng đây là vàng cho trong đám cưới thì là cho vô điều kiện, vì lúc cho ông bà có thể không nói cho với điều kiện gì mà chỉ trao vàng.
Chính vì sự rắc rối này nên theo LS Phát, nếu cô dâu không trở về nhà chồng cứ làm đơn tố theo cái lý của mình. Nhà chồng có thể ghi nội dung tố cáo là bị cô dâu lừa lừa bằng việc tổ chức đám cưới với con trai, để lấy tiền mừng đi trả nợ, chứ cô gái không phải cưới con trai mình vì có tình cảm. Và cụ thể là hành vi ngay sau đám cưới, cô dâu đã mang vàng bỏ đi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.