Có dẹp được 'xe dù, bến cóc' theo quy định mới?

29/12/2024 15:53 GMT+7

Theo luật sư, Nghị định 158/2024/NĐ-CP là bước tiến quan trọng trong việc quản lý hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là xử lý vấn nạn 'xe dù, bến cóc'.

Để giải quyết vấn đề xe dù, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Pháp luật cần được thực thi quyết liệt và đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất. Sự phối hợp này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng xe dù mà còn đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người. Hãy cùng chung tay xây dựng môi trường giao thông an toàn và văn minh.

"Xe dù, bến cóc" đã trở thành một vấn đề nhức nhối, đặc biệt ở các thành phố lớn. Hành vi đón trả khách không đúng nơi quy định, tổ chức điểm đón khách trái phép không chỉ gây mất trật tự giao thông mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh vận tải hợp pháp. Từ đó, kéo theo hệ quả như mất an toàn giao thông, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải, thất thoát nguồn thu thuế cho Nhà nước.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phùng Văn Hiệu, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương cho rằng Nghị định 158/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18.12.2024 (hiệu lực từ 1.1.2025) có nhiều điểm mạnh, đã bổ sung nhiều quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt nhắm vào loại hình xe hợp đồng - gốc rễ của vấn nạn "xe dù, bến cóc", như:

Quy định rõ ràng và chi tiết về hợp đồng vận tải

Nghị định 158/2024/NĐ-CP quy định, hợp đồng vận tải bắt buộc phải được ký kết trước khi thực hiện chuyến đi, đảm bảo minh bạch về hành trình, địa điểm đón trả khách và danh sách hành khách. Xe hợp đồng trên 8 chỗ phải ký hợp đồng vận tải cả chuyến và không được gom khách lẻ, bán vé, hay thu tiền ngoài hợp đồng. Xe dưới 8 chỗ được phép gom khách lẻ, nhưng phải tuân thủ các điều kiện cụ thể để đảm bảo không trá hình thành xe tuyến cố định, gây mất trật tự giao thông.

Theo luật sư Hiệu, quy định này ra đời nhằm phân biệt rõ ràng giữa xe hợp đồng và xe tuyến cố định, tránh tình trạng lạm dụng hợp đồng để hoạt động trái phép.

Có dẹp được 'xe dù, bến cóc' theo quy định mới?- Ảnh 1.

Luật sư Phùng Văn Hiệu, Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương

Tăng cường nhận diện và giám sát phương tiện

Tất cả các xe kinh doanh vận tải phải gắn phù hiệu bắt buộc theo đúng quy định, với kích thước, vị trí, và chất liệu phản quang rõ ràng. Điều này giúp lực lượng chức năng dễ dàng nhận diện và xử lý các xe vi phạm. 

Các phương tiện có niêm yết sai lệch, sử dụng phù hiệu không hợp lệ hoặc không đúng quy định đều bị xử phạt, ngăn chặn hiệu quả tình trạng hoạt động trái phép.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý vận tải

Thiết bị giám sát hành trình bắt buộc: Tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cung cấp dữ liệu thời gian thực về lộ trình, tốc độ, và thời gian hoạt động. Dữ liệu này được truyền về cơ quan quản lý để phát hiện vi phạm nhanh chóng và chính xác.

Hợp đồng điện tử: Việc sử dụng hợp đồng vận tải điện tử được khuyến khích, giúp lưu trữ thông tin minh bạch, hạn chế gian lận và tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm tra, quản lý.

Hướng tới môi trường vận tải công bằng và minh bạch

Theo luật sư, những quy định rõ ràng và chặt chẽ giúp ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình vận tải, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Đồng thời, loại bỏ các chiêu thức lợi dụng kẽ hở để hoạt động trá hình, giảm áp lực cạnh tranh đối với các nhà xe tuyến cố định và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ vận tải hợp pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Những hạn chế và nguy cơ không hiệu quả

Bên cạnh mặt tích cực, luật sư Hiệu cũng cho rằng Nghị định 158/2024/NĐ-CP mặc dù đã bổ sung nhiều quy định và chế tài mạnh mẽ; song vẫn tồn tại một số vấn đề có thể làm giảm hiệu quả của nghị định, như:

Ý thức người dân

Một phần nguyên nhân khiến vấn nạn "xe dù, bến cóc" vẫn tồn tại là do nhu cầu của người dân. Nhiều hành khách chọn các loại hình vận tải trái phép vì giá rẻ, sự tiện lợi, hoặc do các tuyến xe hợp pháp không đáp ứng được nhu cầu về thời gian, tuyến đường và dịch vụ. Thói quen sử dụng "xe dù, bến cóc" đã tồn tại lâu dài trong một bộ phận người dân, đặc biệt ở những khu vực thiếu hạ tầng giao thông. Điều này vô tình tiếp tay cho các nhà xe vi phạm, khiến tình trạng lách luật khó kiểm soát hơn.

Thiếu sự phối hợp và giám sát đồng bộ

Mặc dù các lực lượng chức năng như CSGT và chính quyền địa phương đều có trách nhiệm trong việc kiểm soát và xử lý vi phạm, song phối hợp chưa hiệu quả. Điều này dẫn đến tình trạng kiểm tra không đồng bộ, bỏ sót sai phạm hoặc xử lý không triệt để.

Hệ thống giám sát hành trình, dù được quy định rõ ràng và mang lại lợi ích lớn trong quản lý, vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai đồng bộ. Các thiết bị cần sự đầu tư lớn và yêu cầu cao về tính đồng nhất trong dữ liệu giữa các cơ quan quản lý.

Mức phạt chưa đủ răn đe

Liên quan đến vấn đề này, theo luật sư Hiệu, lợi nhuận từ các hoạt động vận tải trái phép thường vượt xa chi phí xử phạt. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để tiếp tục hoạt động bất chấp quy định. Các chế tài bổ sung như tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động, hoặc tước phù hiệu xe đã được đưa ra nhưng việc áp dụng thực tế chưa triệt để, dẫn đến hiệu quả răn đe chưa cao.

Có dẹp được 'xe dù, bến cóc' theo quy định mới?- Ảnh 2.

Các xe khách dừng đỗ chiếm hết làn xe máy gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi

Luật sư Phùng Văn Hiệu cho rằng, để Nghị định 158/2024/NĐ-CP thực sự trở thành công cụ hiệu quả trong việc chấm dứt vấn nạn "xe dù, bến cóc", cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Các giải pháp không chỉ tập trung vào việc siết chặt quản lý mà còn phải nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường các biện pháp răn đe. Cụ thể:

Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm

Việc kiểm tra và xử lý cần được triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ. Các lực lượng chức năng cần tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các điểm nóng về "xe dù, bến cóc". 

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tận dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để theo dõi lộ trình và hoạt động của xe kinh doanh vận tải, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Nâng cao ý thức cộng đồng

Ý thức của người dân đóng vai trò then chốt trong việc chấm dứt "xe dù, bến cóc". Các chiến dịch tuyên truyền cần được đẩy mạnh để cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi sử dụng dịch vụ vận tải trái phép như mất an toàn giao thông, không được bảo vệ quyền lợi, bị ép giá.

Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng và sự tiện lợi của các tuyến xe hợp pháp, như tăng cường tần suất hoạt động, nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện dịch vụ khách hàng. Khi các tuyến xe hợp pháp đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, người dân sẽ dần từ bỏ thói quen sử dụng "xe dù, bến cóc."

Tăng mức phạt và áp dụng các biện pháp răn đe mạnh mẽ

Mức phạt hiện nay mặc dù đã tăng nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Cần xem xét đề xuất nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là các trường hợp tái phạm nhiều lần hoặc cố tình vi phạm. Đồng thời, cần áp dụng các hình thức xử lý bổ sung, như tước giấy phép kinh doanh trong thời gian dài, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với các doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm nghiêm trọng. Các biện pháp này không chỉ răn đe mà còn góp phần loại bỏ những đối tượng cố tình vi phạm khỏi thị trường vận tải.

"Nghị định 158/2024/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là xử lý vấn nạn "xe dù, bến cóc". Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thực sự, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, sự nâng cao ý thức của người dân và sự quyết tâm trong thực thi pháp luật", luật sư Hiệu đánh giá và cho rằng nếu triển khai hiệu quả, đây sẽ là một nền tảng quan trọng để cải thiện môi trường giao thông và kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.