Cơ địa hay dị ứng, có nuôi chó được không?

18/05/2023 10:15 GMT+7

Dị ứng lông chó sẽ gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa mắt, thậm chí nổi mề đay. Nhiều người vì không chịu nổi dị ứng nên đã không thể tiếp tục nuôi chó. Tuy nhiên, một số cách có thể giúp họ sống chung với chó cưng.

Dị ứng với lông chó là tình trạng mà hệ miễn dịch phản ứng khi tiếp xúc với lông chó. Để nuôi chó, người bị dị ứng cần phải thực hiện nhiều thay đổi để kiểm soát tình trạng dị ứng của mình và hạn chế tiếp xúc với lông chó, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Làm sao để sống chung với chó nếu bị dị ứng lông chó ? - Ảnh 1.

Lông và tế bào da chết của chó là tác nhân gây khó chịu với những người bị dị ứng

SHUTTERSTOCK

Hãy chắc chắn dị ứng là do lông chó

Điều đầu tiên người bị dị ứng cần làm là phải biết chính xác tình trạng của mình có phải là do dị ứng với lông chó. Một số xét nghiệm có thể giúp làm rõ điều này.

Có những trường hợp tác nhân gây dị ứng không phải lông chó mà là mạt bụi, nấm mốc, phấn hoa, khói thuốc hay một số chất khác trong nhà. Thậm chí, có trường hợp mà chất gây dị ứng không nằm trong nhà mà ở nơi làm việc, quán cà phê mà bạn đặt chân đến.

Tắm chó thường xuyên

Tắm và chải lông chó thường xuyên sẽ giúp giảm thiểu tế bào da chết, lông chó phát tán ra xung quanh. Đây chính là tác nhân gây dị ứng từ chúng.

Không những vậy, chất tiết dịch từ mắt và tai chó cũng có khả năng gây dị ứng. Nếu không thể vệ sinh cho chó ở nhà thì chủ nuôi hoàn toàn có thể mang ra tiệm để họ làm thay.

Không cho chó vào giường ngủ

Chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ và nghỉ ngơi trên giường. Trong khi đó, nệm, ga giường, mền và gối lại là những nơi rất dễ dính lại lông chó. Nếu người bị dị ứng ngủ chung với những thứ này sẽ dễ gây nghẹt mũi, ngứa mắt và hắt hơi. Do đó, dù chủ nuôi có yêu chó đến mấy thì giường ngủ là nơi không được cho chúng leo lên.

Không những vậy, phòng ngủ cũng không nên cho chó vào. Để đảm bảo sức khỏe và giấc ngủ ngon, cách tốt nhất là giữ phòng ngủ sạch sẽ và không có bất kỳ tác nhân gây dị ứng nào.

Hạn chế dùng đồ nội thất vải

Tổ chức Hen suyễn và Dị ứng Mỹ cho biết các chất gây dị ứng như bụi, phấn hoa hay lông chó sẽ thường bám vào thảm, màn cửa và đồ nội thất bằng vải, chẳng hạn như ghế sofa bọc vải. Nếu giảm thiểu được chất gây dị ứng trong những vậy dụng này thì có thể cải thiện được tình trạng dị ứng.

Nếu có thể, hãy thay thế đồ nội thất bằng vải trong nhà bằng các vật liệu khác. Ví dụ, những ngôi nhà dùng thảm vải nỉ phủ toàn bộ nền nhà thì có thể bỏ dùng loại thảm này. Thay vào đó, hãy dùng vật dụng gỗ hay các vật liệu lót sàn khác thân thiện hơn với dị ứng, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.