Cổ đông lớn bán ra gần 9 triệu cổ phiếu Yeah1 trước khi lên sàn

26/06/2018 17:59 GMT+7

Chủ tịch Hội đồng quản trị và cổ đông lớn của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đã bán bớt cổ phiếu trước ngày đưa lên sàn.

Sáng nay 26.6, cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 chính thức lên giao dịch trên sàn TP.HCM. Điều khá bất ngờ là bản thân nhà sáng lập và cổ đông lớn đã bán bớt cổ phiếu này ngay trước đó.
Theo bản cáo bạch, tính đến ngày 24.5, Chủ tịch Hội đồng quản trị Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chỉ còn nắm giữ 7,42 triệu cổ phiếu, tương đương 27,11% vốn và cổ đông lớn là DFJ VinaCapital nắm 1,95 triệu cổ phiếu, tương 7,14% vốn Yeah1. Như vậy so với tỷ lệ cổ phiếu sở hữu ghi nhận vào ngày 31.3 trước đó, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã bán ra gần 1,1 triệu cổ phiếu. Còn quỹ DFJ VinaCapital đã mạnh tay bán ra hơn 7,5 triệu cổ phiếu.
Trong danh sách cổ đông lớn ngoài ông Tống và DFJ VinaCapital thì quỹ Ancla Assets vẫn tiếp tục sở hữu 12,49% như trước đó. Đồng thời xuất hiện thêm một cổ đông cá nhân mới là ông Hồ Ngọc Tấn có địa chỉ tại Bình Dương sở hữu 3,91 triệu cổ phiếu, tương đương 14,28% vốn tại Yeah1. Tổng cộng 4 cổ đông lớn này đang nắm giữ 61% vốn, thấp hơn nhiều so với con số 89,6% vốn mà 3 cổ đông lớn đã sở hữu trước đó.
Công ty này thành lập từ năm 2006 nên theo quy định của luật Doanh nghiệp 2014, cổ phiếu của các cổ đông sáng lập không còn bị hạn chế chuyển nhượng. Tuy nhiên theo quy định khi lên sàn, cổ đông nội bộ và cổ đông lớn sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn 6 tháng. Đây là lý do có thể giải thích tại sao các cổ đông lớn phải "chạy" thoái vốn trước khi lên sàn.
DFJ VinaCapital đã mua cổ phiếu Yeah1 với giá bao nhiêu?
Theo công bố, quỹ DFJ VinaCapital chính thức đầu tư vào Yeah1 từ tháng 6.2008 thông qua việc mua vào 213.333 cổ phiếu với giá 128.333 đồng/cổ phiếu. Như vậy quỹ này đã chi ra hơn 27,37 tỉ đồng đầu tư vào Yeah1 cách đây 10 năm. Sau lần đầu tư ban đầu đó, số lượng cổ phiếu của quỹ này tự động gia tăng theo các lần phát hành cổ phiếu thưởng, chi trả cổ tức... và không phải chi thêm tiền.
Chỉ có đợt phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược gần nhất là vào cuối năm 2017 thì giá bán ra là 50.000 đồng/cổ phiếu. Với mức định giá 250.000 đồng/cổ phiếu làm tham chiếu khi lên sàn, nhiều thông tin cho rằng chắc chắn quỹ đầu tư này cũng sẽ không chịu bán thấp hơn.
Sau 10 năm, quỹ ngoại này đã thu về hơn 1.875 tỉ đồng và vẫn còn sở hữu 1,95 triệu cổ phiếu, tương đương trị giá 585 tỉ đồng tính theo giá cuối ngày 26.6 là 300.000 đồng. Như vậy nếu thoái sạch vốn tại Yeah1, quỹ DFJ VinaCapital sẽ thu lời hơn 2.400 tỉ đồng, tương đương mức lợi nhuận 90 lần. Đây là một con số lợi nhuận khủng mà không phải thương vụ nào cũng có thể mang lại cho các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Bản cáo bạch niêm yết của Yeah1 đưa ra phương pháp định giá P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) và P/B (giá/giá trị sổ sách). Công ty liệt kê một số công ty cùng ngành truyền thông ở Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản... để đưa ra chỉ số P/E trung bình của ngành truyền thông là 39,3 lần và chỉ số P/B bình quân ngành là 7,5 lần. Thu nhập mỗi cổ phiếu bình quân 4 quý gần nhất (EPS) là 6.382 đồng và giá trị sổ sách là 13.884 đồng. Từ đó, giá cổ phiếu Yeah1 tính theo phương pháp P/E là 250.717 đồng và giá tính theo phương pháp P/B là 104.130 đồng. Từ đó, giá tham chiếu của Yeah1 đưa ra chào sàn vào sáng 26.6 là 250.000 đồng, cao nhất trên sàn chứng khoán hiện nay. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.