Có được cấm trường học cho thuê cơ sở ngoài giờ?

04/10/2016 08:02 GMT+7

Các cơ sở dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở TP.HCM đang rốt ráo tìm các phương án để hoạt động, khi không thuê được trong trường học theo quy định của TP.HCM.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện thành phố có khoảng 15 cơ sở dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường thuê trường học để tổ chức lớp. Theo lộ trình, việc này phải chấm dứt trước ngày 30.1.2017.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc cho thuê cơ sở được quy định rõ ràng tại điều 12 Thông tư 23 Bộ Tài chính ban hành vào tháng 2.2016. Khi nói đến điều khoản này, Thông tư 23 có lấy ví dụ: “Trường X được nhà nước đầu tư xây dựng một tòa nhà để sử dụng làm giảng đường, lớp thực hành… Do trường X chỉ sử dụng tòa nhà này để phục vụ giảng dạy vào một buổi trong ngày nên được cấp có thẩm quyền quyết định cho sử dụng tòa nhà này để thuê, liên doanh, liên kết trong thời gian nhàn rỗi. Trong trường hợp này, trường X chỉ được cho thuê, liên doanh, liên kết để làm giảng đường hoặc lớp thực hành… phù hợp với mục đích khi đầu tư xây dựng tòa nhà”.

Có thể nâng học phí
Đại diện trung tâm luyện thi đang thuê phòng của Trường tiểu học Trần Quang Khải (Q.1) cho biết: “Chúng tôi đã thuê ở đây gần 8 năm, học sinh (HS) đã quen thuộc nên giờ tìm địa điểm mới cũng không thể ở quá xa. Sắp tới có thể chúng tôi thuê một nhà phố cách địa chỉ cũ 5 phút đi xe để tiếp tục duy trì hoạt động”.
Do trung tâm này có số lượng HS ít nên có thể sắp xếp được, còn như một số trung tâm có lượng HS lớn đang rối tung, chưa biết tính sao. Đại diện Trung tâm 218 Lý Tự Trọng cho hay: “Đang bằng mọi cách để tìm địa điểm tiếp tục hoạt động sau ngày 31.1.2017 nhưng chưa biết sao. Chúng tôi đã thử tìm đến tòa nhà tại khu vực trung tâm nhưng giá thuê phòng học cho 50 HS trong 4 tiếng là 800.000 đồng, còn giá thuê phòng 30 chỗ ngồi là 500.000 đồng. Như vậy tiền thuê mặt bằng sẽ hạch toán vào học phí dẫn đến mức đóng của phụ huynh sẽ cao”. Người này lo ngại: “Có khi trung tâm chỉ còn hoạt động ở cơ sở chính chứ không còn cách nào khác. Vì thông thường học phí mỗi môn học có vài trăm ngàn, vài năm mới điều chỉnh một lần, mỗi lần điều chỉnh chưa đến 10.000 đồng/môn. Nếu bây giờ thuê cơ sở ngoài thì học phí tăng cao lắm nên phương án này khó khả thi”.
Còn đại diện của một trung tâm thuê cơ sở của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) cho biết sẽ đóng cửa luôn vì “giá thuê tòa nhà cao khiến học phí tăng thêm rồi cộng thêm việc đưa đón bất tiện, phụ huynh không hợp tác”.

tin liên quan

Vẫn bối rối với quy định cấm dạy thêm
Lãnh đạo các trường, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh tại TP.HCM đang rất bối rối vì đã gần đến thời hạn cuối cùng dừng hoạt động các trung tâm dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định.

Học sinh sẽ chịu thiệt ?
Một hiệu trưởng trường THPT tại Q.1 cho biết nếu thực hiện theo quy định này người thiệt thòi trước tiên là HS. Các cơ sở bên ngoài khó đảm bảo công năng của trường học về điều kiện học tập, ánh sáng, đi lại... Tiếp theo là giáo viên vì nhà trường mất đi khoản thu cho thuê cơ sở, giáo viên cũng gặp khó khăn. Cụ thể, hiệu trưởng này cho biết: “Theo quy định tài chính, với tổng số tiền thuê phòng học, 40% sẽ nộp vào ngân sách để cải cách tiền lương, 60% còn lại đưa vào quỹ phát triển sự nghiệp giáo dục dùng để sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cao chuyên môn, đời sống tinh thần và tổ chức tham quan học tập cho giáo viên”.

Đại diện của Trung tâm 218 Lý Tự Trọng cũng cho hay, ngoài việc trả chi phí thuê, trung tâm còn tăng cường cơ sở vật chất tại các trường. Chẳng hạn, trường học chỉ học ban ngày, còn trung tâm hoạt động buổi tối nên có hỗ trợ đèn phòng học, đèn hành lang, tăng cường thêm quạt, hỗ trợ công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trường học…
Ngoài những hạn chế kể trên, một hiệu trưởng còn cho rằng việc trường học cho thuê cơ sở vật chất ngoài giờ, không làm ảnh hưởng đến giờ học chính khóa là không sai.

tin liên quan

Xin gia hạn chấm dứt dạy thêm, học thêm
Lãnh đạo các trường học tại TP.HCM ráo riết thực hiện lộ trình chấm dứt dạy thêm, học thêm. Có trường dễ dàng thực hiện, trường đề nghị kéo dài vì khóa học đang diễn ra giữa chừng.

Nhà giáo viên biến thành... trung tâm dạy thêm
Gần một tháng nay phòng khách nhỏ trong căn chung cư của giáo viên một trường THCS tại Q.3 đã biến thành lớp học thêm cho HS. Sau khi các trường thực hiện lệnh cấm dạy thêm, học thêm trong trường học, giáo viên cũng không được tự tổ chức mở lớp dạy thêm nên cô T. nhờ mẹ ruột (một giáo viên đã về hưu - PV) đứng tên đăng ký mở trung tâm ngay tại nhà. Vậy là phòng khách của gia đình được sắp xếp lại để kê đủ 3 chiếc bàn dài, mỗi bàn cho 5 HS ngồi chen chúc. Cô T. cho biết: “HS cũ của tôi trước đây có hơn 30 em. Dù từ chối bớt vì nhà nhỏ không thể chứa hết nhưng không ai chịu nghỉ. Chính vì thế tôi phải chia làm 2 ca học chéo buổi nhau. Những HS tới sau không còn bàn ngồi thì sẽ ngồi ghế nhựa”.
Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, quy định tiêu chí về cơ sở vật chất đối với các trung tâm dạy thêm như sau: diện tích sử dụng một phòng học đạt 1,5 m2/người, phòng học không nhỏ hơn 15 m2, có sân bãi để xe và phương án giữ xe, có trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định... Tuy nhiên, thực tế giáo viên miễn cưỡng mở trung tâm ngay tại nhà nên rất khó để những lớp học này đáp ứng được những tiêu chí về cơ sở vật chất theo quy định.
Lam Ngọc
“Đã thấy hết được những khó khăn”
Ngày 29.9, trong buổi họp báo 9 tháng đầu năm về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND, cho hay nhận thức của lãnh đạo TP về chủ trương cấm dạy thêm, học thêm là cần phải loại bỏ những hiện tượng tràn lan, tiêu cực. Tuy nhiên, việc cấm dạy thêm, học thêm cần có lộ trình để tránh gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời ông Hoan cũng nói: “Việc làm nhanh, làm mạnh như vừa qua đã ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác. Đó là chưa chuẩn bị tâm lý cho đội ngũ quản lý, giáo viên, phụ huynh và HS. Đây là kinh nghiệm của TP bởi một quyết định tác động đến xã hội thì phải xem xét, lường trước, nhưng trong quyết định này chúng ta chưa chuẩn bị tâm lý”.
Theo đó, ông Hoan lấy ví dụ, chẳng hạn có trường cho đối tác thuê cơ sở vật chất để mở trung tâm dạy học trong trường nhưng nay lấy ngang sẽ vấp phải sự phiền hà, chưa kể còn trái luật. “Qua 5 - 6 tháng thực hiện, Thành ủy, UBND TP đã thấy hết được những khó khăn và cần đưa ra giải pháp để chủ trương đó ít tác động đến xã hội”, ông Hoan khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.