Có được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học khi chưa thi tốt nghiệp THPT?

17/06/2021 09:00 GMT+7

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH không thông báo thí sinh trúng tuyển dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường đã thông báo kết quả xét tuyển theo các phương thức riêng, đồng thời yêu cầu thí sinh (TS) “trúng tuyển” xác nhận nhập học ngay tại thời điểm này, khi còn chưa thi tốt nghiệp THPT .

Trường chưa khẳng định thí sinh trúng tuyển ?

Mới đây, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thông báo kết quả xét tuyển phương thức xét tuyển tài năng đợt 1 năm 2021 của trường. Theo đó, khoảng 1.300 TS đạt ngưỡng yêu cầu vào các ngành/chương trình đào tạo ĐH chính quy. Trường đã gửi email thông báo tới các TS này, đề nghị TS nếu có nguyện vọng nhập học thì thực hiện thủ tục nộp giấy xác nhận (theo mẫu) cho trường trong khoảng thời gian từ 10 - 16.6.

Để giảm thiểu tình trạng lách luật này, tốt hơn hết Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự quyết định thời điểm tuyên bố trúng tuyển phù hợp với lịch trình xét tuyển các phương thức riêng của trường. Chỉ cần quy định trường chỉ được tiếp nhận sinh viên nhập học sau khi có bằng tốt nghiệp THPT

Luật sư NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, giải thích: “Tên gọi là Giấy xác nhận nhập học, nhưng đó không phải là thủ tục hay hồ sơ xác nhận nhập học, mà thực chất chỉ là một thao tác đặt chỗ với TS, trong đó chỉ có chữ ký của TS và phụ huynh. Trường cũng không hề thu bất kỳ khoản lệ phí nào cho việc giữ chỗ này. Trong mẫu giấy xác nhận nhập học, trường đã ghi rõ, các em chỉ làm thủ tục xác nhận nhập học sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT”.
PGS Điền cũng khẳng định dù xét tuyển theo phương thức nào, tất cả các trường đều phải tuân thủ khung thời gian của từng khâu trong quy trình xét tuyển mà Bộ GD-ĐT quy định. Theo đó, không một trường nào được phép thông báo TS trúng tuyển khi TS chưa tốt nghiệp THPT. Yêu cầu xác nhận nhập học mà thực chất là đặt chỗ này khác với thủ tục xác nhận nhập học (sau khi có kết quả tốt nghiệp THPT) mà Bộ GD-ĐT quy định. Do hệ thống tư vấn tuyển sinh của trường làm việc rất tích cực nên các TS đều được biết điều này. Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường chỉ thông báo ngưỡng yêu cầu đối với từng chương trình/ngành đào tạo theo phương thức xét tuyển tài năng; thông báo với từng em nếu em đó đạt ngưỡng. “Khái niệm “trúng tuyển” chỉ được nói một cách phi chính thức. Còn văn bản hành chính của trường thời điểm này chưa dùng từ “trúng tuyển” với bất kỳ TS nào”, PGS Điền nói.
Còn thông tin từ Trường ĐH Ngoại thương thì cho biết trường này cũng đã triển khai xét tuyển đợt 1 các phương thức xét tuyển 1, 2, 5 (trường có 6 phương thức xét tuyển), đã gửi email với những TS đã đáp ứng điều kiện về điểm đánh giá hồ sơ xét tuyển. Với những TS này, nếu có mong muốn theo học chương trình mà các TS đã đáp ứng điều kiện về điểm đánh giá hồ sơ, thì cần thực hiện quy trình xác nhận theo học từ ngày 14 - 16.6. Tuy nhiên, khác với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, kèm theo xác nhận theo học này, TS phải gửi các giấy tờ gốc liên quan (các chứng chỉ quốc tế, các giấy chứng nhận học sinh giỏi...).
Chia sẻ với PV Thanh Niên, nhiều TS bày tỏ sự băn khoăn về khả năng tiếp tục được dự tuyển vào các ngành khác của trường, hoặc của trường khác. Về vấn đề này, bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho hay: “Từ giờ cho đến khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT, các TS hoàn toàn có quyền tiếp tục dự tuyển vào các trường ĐH khác, hoặc vào các chương trình đào tạo khác của chính Trường ĐH Ngoại thương theo các phương thức còn lại”.

Lách quy định

Theo nhiều trường ĐH, việc thông báo kết quả tuyển sinh theo các phương thức riêng của một số trường, trong đó có 2 trường có tính cạnh tranh cao trong tuyển sinh là Bách khoa Hà Nội và Ngoại thương, vào thời điểm này, là “lách” quy định của Bộ GD-ĐT.

Trường không được buộc nộp các giấy có ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, trước ngày 10.8 là hạn cuối cùng các trường mới phải cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về kết quả sơ tuyển, kết quả tuyển sinh theo các phương thức có trong đề án tuyển sinh riêng của trường… (gọi chung là phương thức riêng). Căn cứ để các trường xác định kết quả tuyển sinh theo bất kỳ phương thức là bản chính giấy chứng nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Dựa trên dữ liệu này, phần mềm xét tuyển sẽ tự động loại khỏi danh sách xét tuyển đợt 1 theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT những em đã trúng tuyển vào các trường theo các phương thức riêng. Như vậy, một khi TS chưa nộp giấy chứng nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cho bất kỳ trường nào nghĩa là các em vẫn có quyền thoải mái dự tuyển vào bất kỳ trường ĐH nào nếu đủ điều kiện dự tuyển.
Bà Thủy cũng cho rằng thời điểm này, các trường được quyền thông báo kết quả xét tuyển theo các phương thức riêng, vì không được làm ảnh hưởng tới quyền được xét tuyển bằng điểm thi THPT của TS. Vào thời điểm hiện tại, quan trọng nhất là các trường không bắt TS phải nộp các giấy có ảnh hưởng đến quyền lợi TS. Nếu một số trường yêu cầu TS nộp bản gốc giấy tờ của TS, sau này các TS không chọn học tại trường, thì các trường phải có nghĩa vụ trả lại cho TS.
Một cán bộ phụ trách tuyển sinh của một trường ĐH ngành kỹ thuật ở Hà Nội nhận xét: “Công văn số 1444/BGDĐT-GDĐH ban hành ngày 14.4 yêu cầu các trường ĐH không thông báo TS trúng tuyển dưới mọi hình thức khi TS chưa tốt nghiệp THPT. Dù không thông báo TS trúng tuyển, nhưng lại yêu cầu TS xác nhận nhập học, thì đó là một cách cho TS biết là đã trúng tuyển. Có thể các trường cũng sẽ giải thích cho TS là đây chưa phải là “xác nhận nhập học” như cách gọi của Bộ GD-ĐT, nhưng có phải việc giải thích này đều đến được với tất cả TS đâu!”.
PGS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại, chia sẻ: “Mỗi trường có một kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh riêng nên tôi xin phép không bình luận. Nhưng với Trường ĐH Thương mại, chúng tôi chỉ thông báo kết quả xét tuyển với các phương thức riêng sau khi các TS có kết quả thi tốt nghiệp THPT, mặc dù căn cứ để xét các phương thức này không dựa vào điểm thi tốt nghiệp. Vì dựa vào văn bản mà Bộ GD-ĐT đã ban hành, chúng tôi hiểu Bộ quy định như thế và trường chấp hành yêu cầu đó”.
Theo luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng, Công ty luật TNHH Kim Phụng và cộng sự, yêu cầu TS đạt ngưỡng xét tuyển gửi xác nhận nhập học như cách làm của một số trường hiện nay là một cách lách quy định của Bộ GD-ĐT. Dù các trường không thông báo TS đã trúng tuyển, nhưng các nội dung trong thông báo cùng với yêu cầu xác nhận nhập học đã làm cho ai cũng hiểu đó là thông báo trúng tuyển.
“Để giảm thiểu tình trạng lách luật này, tốt hơn hết Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự quyết định thời điểm tuyên bố trúng tuyển phù hợp với lịch trình xét tuyển các phương thức riêng của trường. Chỉ cần quy định trường chỉ được tiếp nhận sinh viên nhập học sau khi có bằng tốt nghiệp THPT. Đồng thời, quy định cho TS được phép đỗ nhiều trường, chọn trường nào là quyền của TS như đa số các nước phát triển hiện nay”, bà Phụng nêu quan điểm.
Bà Phụng nhấn mạnh điều này là khả thi bởi sau nhiều năm quy định các TS được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên cao nhất, đã khá đủ dữ liệu để các trường thống kê và tính toán xác suất ảo để xác định con số nhập học trong phạm vi chỉ tiêu quy định. “Như thế cũng là công bằng với các trường, còn với quy định như hiện nay, một số trường sẽ tìm cách lách, làm cho trường nào thực hiện nghiêm túc thì sẽ bị thiệt”, luật sư Phụng nói về việc quy định trường chỉ được tiếp nhận sinh viên nhập học sau khi có bằng tốt nghiệp THPT .
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.