Cơ duyên phục chế “bản tuyên ngôn” chủ quyền

19/01/2022 06:24 GMT+7

Đúng ngày này 48 năm trước (19.1.1974 - 19.1.2022), Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Nhưng vũ lực không thể khuất phục ý chí và chứng cứ trước nay luôn khẳng định Hoàng Sa là một phần máu thịt của Việt Nam.

Hai trong số rất nhiều chứng cứ không thể chối cãi về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa là bia đá cùng cột mốc được Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) phục chế thành công và đưa ra trưng bày.

Nhà trưng bày Hoàng Sa phục chế thành công mộc bài chủ quyền Hoàng Sa từng tồn tại dưới triều Nguyễn

HOÀNG SƠN

Từ bức ảnh quý hơn vàng

Không gian giới thiệu hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa trong giai đoạn 1884 - 1945 tại Nhà trưng bày Hoàng Sa lần đầu tiên xuất hiện một mô hình đặc biệt bằng đá sa thạch. Đó là hiện vật được phục chế với tỷ lệ tương đối chính xác về cột mốc chủ quyền do Pháp xây dựng tại đảo Hoàng Sa cách nay 84 năm.

“Để có được một mô hình có giá trị chân thực, chính xác…, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã “gặp may” khi được một vị khách người Pháp tặng lại bức ảnh chụp tấm bia chủ quyền rõ từng nét chữ. Tấm ảnh chưa từng được công bố bất cứ ở đâu. Khi nhận được, tôi mừng hơn nhặt được vàng”, TS sử học Lê Tiến Công, Phó giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, mở đầu câu chuyện.

TS Lê Tiến Công kể, các hiện vật đưa ra trưng bày không thể là các tài liệu gốc mà chỉ là bản phục chế. Từ nhiều năm qua, Nhà trưng bày Hoàng Sa luôn trăn trở làm sao phục chế được các hiện vật có thể sờ, nắm nhằm khẳng định mạnh mẽ chủ quyền Hoàng Sa. Qua tham khảo các tài liệu, TS Công đã tiếp cận các thông tin giá trị về bia chủ quyền được xây dựng vào tháng 6.1938. Ông cho biết trong lịch sử, người Pháp thông qua những tài liệu chứng minh được chủ quyền đối với quần đảo, đã cử lực lượng ra trấn giữ Hoàng Sa và cho xây dựng một loạt hạ tầng trên đảo, như ngọn hải đăng, trạm thu phát sóng, cơ sở đóng tàu và đặc biệt là cột mốc gắn bia chủ quyền.

Những bức ảnh chụp quá trình dựng cột mốc của Hoàng Sa cho thấy, cột mốc này bằng đá, cao ngang ngực một người đàn ông thuộc đơn vị lính Tập (đơn vị lính người Việt dưới thời Pháp thuộc). Cột mốc có 3 phần khác nhau: đế mốc được ghép bởi 4 khối đá sa thạch, thân mốc là khối đá liền, đỉnh mốc là khối đá hình thang có chóp. Điểm đáng chú ý, trên thân mốc có một tấm bia. Dù vậy, các bức ảnh mà nhà trưng bày có được không thể ghi lại rõ nét hình ảnh những ký tự trên tấm bia này. Nhiều tài liệu ghi lại, tấm bia viết bằng tiếng Pháp: République Française. Empire d’Annam. Archipel des Paracels. 1816 ile Pattle 1938 (dịch nghĩa: Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938).

“Chúng tôi ấp ủ ý định phục chế cột mốc cùng tấm bia từ lâu, nhưng điều băn khoăn là nét chữ trên tấm bia thể hiện thế nào. Câu hỏi này khiến tôi suy nghĩ mãi và sau đó được giải đáp bởi một du khách người Pháp. Hai năm trước, vị khách ghé nhà trưng bày để tham quan, tìm hiểu các hiện vật rồi say mê với cột mốc này. Ông cho biết, ở Pháp có một tài liệu về tấm bia chủ quyền. Sau khi về nước, ông đã chụp bức ảnh về tấm bia với mặt chữ rất rõ rồi gửi cho chúng tôi. Trước đó, những tài liệu trong nước chưa có bản chụp nào rõ nét chữ như thế này. Tôi rất xúc động bởi đây là bức ảnh tư liệu vô cùng quý giá với những nét chữ thô mộc thể hiện được tính nguyên gốc của tấm bia chủ quyền”, TS Công kể.

Dựa vào bức ảnh này cùng các tài liệu liên quan, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã phối hợp với họa sĩ để phục chế cột mốc với tỷ lệ gần giống hiện vật gốc nhất. Cuối năm 2021, cột mốc cùng tấm bia chủ quyền đã được phục chế xong. Bên dưới chóp mốc được sơn trắng, quốc kỳ Pháp cũng được sơn vẽ cẩn thận.

Từ cơ duyên với du khách Pháp, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã phục chế thành công cột mốc cùng tấm bia chủ quyền rõ nét chữ

Mộc bài “bước ra” từ sử liệu

Cột mốc thứ 2 mà Nhà trưng bày Hoàng Sa phục chế thành công là cột mốc chủ quyền bằng gỗ được cắm tại quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn (còn gọi là mộc bài). TS Lê Tiến Công là người đã kỳ công nghiên cứu để phục chế, giúp những mộc bài này “bước ra” từ những thông tin, tư liệu lịch sử. Ông cho biết mộc bài chủ quyền Hoàng Sa được ít nhất 3 tài liệu nhắc đến, gồm: châu bản triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ. Các mộc bài được vua Minh Mạng sai đem cắm trên các đảo khi tàu của triều đình nhà Nguyễn ra Hoàng Sa thực thi công vụ.

Thăm nhân chứng sống ở Hoàng Sa

Ngày 18.1, ông Lê Phú Nguyện, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng kiêm Phó chủ tịch UBND H.Hoàng Sa, dẫn đầu đoàn công tác đi thăm 6 gia đình “nhân chứng Hoàng Sa” đang sinh sống ở tỉnh Quảng Nam và 3 gia đình ở Đà Nẵng. Tại Quảng Nam, ngoài nhân chứng là ông Lê Châu đã mất, những người khác đều khỏe mạnh, minh mẫn. Trong đó, ông Trần Hòa (68 tuổi, ngụ tổ 5, khối

Long Xuyên, TT.Nam Phước, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) từng là y tá công tác tại Hoàng Sa năm 1973. Ông Hòa kể những người giữ Hoàng Sa trước đây từng cứu tàu cá của người Trung Quốc gặp bão, san sẻ phần ăn thức uống cho nạn nhân. “Những câu chuyện nhỏ nhưng mang một ý nghĩa rất lớn, khẳng định chủ quyền từ rất sớm của VN đối với quần đảo Hoàng Sa”, ông Trần Hòa nói.

Tại TP.Đà Nẵng, đoàn đến thăm 1 nhân chứng Hoàng Sa và viếng hương 2 nhân chứng đã mất. Chương trình kéo dài trong 2 ngày, là dịp UBND H.Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) thăm, chúc tết gia đình những người từng công tác tại quần đảo Hoàng Sa nhân 48 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của VN (19.1.1974 - 19.1.2022). Dự kiến hôm nay 19.1, ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa, tiếp tục đi thăm 10 nhân chứng Hoàng Sa còn lại tại TP.Đà Nẵng.

Nguyễn Tú

Nhà trưng bày Hoàng Sa có những dòng giới thiệu trân trọng về mộc bài: Trong Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165, tờ 24b, 25 a-b có ghi: “Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bính Thân, Chánh đội trưởng Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc, đến đây lưu khắc”. Đây chính là những thông tin lịch sử mang tính pháp lý cao mà TS Lê Tiến Công đã nghiên cứu để khắc lên tấm mộc bài phục chế. Sử liệu cũng ghi nhận, vua Minh Mạng từng phê vào châu rằng: lần này đi, mỗi tàu đưa theo 10 mộc bài, đi đến đâu cắm mốc ở đó. Mỗi mộc bài dài 5 thước (2 m), rộng 5 tấc (50 cm), dày 1 tấc (10 cm)…

Với những “thông số kỹ thuật” này cùng các tài liệu liên quan về điều kiện tự nhiên ở quần đảo Hoàng Sa, những người có chuyên môn đã chọn loại gỗ tốt để khắc mộc bài y như sử sách mô tả. Căn cứ trên những tư liệu, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã phục chế để dựng 1 mộc bài nhằm giúp du khách có thể hình dung mộc bài từng tồn tại dưới triều Nguyễn ra sao. “Xa xưa, ở Hoàng Sa chủ yếu là cát, với chiều dài 2 m và được chôn trên cát, mộc bài sẽ được cắm xuống độ sâu chừng 80 cm. Phần cột mốc còn lại sẽ dài khoảng 1,2 m. Sau nhiều tháng nghiên cứu phục chế, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã cho ra mắt hiện vật bằng gỗ. Để người xem dễ hình dung, tại khu vực trưng bày còn thiết kế một ô cho cát trắng phủ chân mộc bài”, TS Công giới thiệu thêm.

Từ những cứ liệu được mô tả trong chính sử, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã nỗ lực tạo ra bản phục chế để người dân lẫn du khách có thể tận mắt thấy một chứng cứ lịch sử rõ ràng trong việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa từ xa xưa. Để rồi, sau lời phê của vua Minh Mạng, các đời vua triều Nguyễn tiếp tục phái binh thuyền đi Hoàng Sa để thực thi việc bảo vệ chủ quyền.

“Xứ Hoàng Sa là bờ cõi trên biển của nước ta, hằng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển”. Phần trích bản tấu ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) của Bộ Công về việc phái binh thuyền đi Hoàng Sa được trưng bày như một “lời đề từ”, bên dưới đặt tấm mộc bài. Trong không gian trưng bày nhuốm màu cổ kính, bên cạnh có thêm tấm biển chú thích song ngữ Việt - Anh, tấm mộc bài hùng hồn như một bản tuyên ngôn về chủ quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.