Từ bỏ công việc văn phòng để làm nông
Nguyễn Anh Thư năm nay chỉ mới 24 tuổi nhưng đã là bà chủ của một vườn hồng ở Đà Lạt. Cô gái quê Vĩnh Phúc đã tốt nghiệp ĐH ở Hà Nội rồi làm công việc văn phòng.
Sau những chuyến du lịch ở Đà Lạt, Thư cảm thấy mình phải quay lại mảnh đất sương mù để thay đổi cuộc sống khác đi trước áp lực kiếm tiền ở thành phố. “Điều duy nhất tôi tìm là không gian tĩnh lặng cho chính mình”, Thư nói.
Vào cuối năm 2020, cô khăn gói lên đường đến Đà Lạt, bất chấp sự phản đối từ gia đình. “Lúc đó, tôi nói với bố rằng tôi có một lần để sống là chính mình, cho đam mê và tuổi trẻ nên 'bố hãy để con đi'. Hành trang bố gói cho tôi khi ra sân bay là hai cái bánh chưng và một cây giò bắc. Với mọi người đó là bình thường, nhưng với tôi thì đó là điều vô cùng quý giá mà tôi có được”, Thư kể.
Cô gái quê Vĩnh Phúc phải lòng với vùng đất Đà Lạt |
Anh Thư |
Thư chọn Cầu Đất (Đà Lạt) để lập nghiệp vì nơi đây nổi tiếng với những vòm treo hồng hội tụ đủ nắng gió. Chỉ có nắng gió Cầu Đất mới làm ra trái hồng ngon và đẹp nhất. Ban đầu, Thư làm thuê cho một nông trại để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Đến tháng 1.2021, cô táo bạo vay mượn tiền, thậm chí cầm cố sổ đỏ ngôi nhà của bố để ký hợp đồng thuê chính nông trại trồng hồng mà cô đã xin vào làm.
Thư đã rời bỏ công việc văn phòng để vào Đà Lạt làm nông |
Hành trình đầy gian nan
Ngoài những thuận lợi ban đầu, những người khởi nghiệp trẻ như Thư phải trải qua một hành trình đầy gian nan.
“Chưa một lần nào nghĩ lại hành trình lên Đà lạt sống mà tôi không khóc. Ngày 20 tháng Chạp vẫn còn ở Đà Lạt, vẫn đóng hàng, tôi không biết đã khóc bao lâu trên máy bay ngày về lại quê thăm nhà dịp tết. Nó khó khăn hơn tôi nghĩ quá nhiều. Quá vất vả, quá chông chênh và nhiều nước mắt”, Thư chia sẻ.
Sản phẩm hồng treo của Thư ở Đà Lạt |
Với Thư, khởi nghiệp không phải là tùy hứng theo phong trào. Cô đặt kế hoạch trồng hồng phải có sản lượng thu hoạch rõ ràng qua 3 năm gần nhất. Ban đầu, Thư thực hiện tiêu chí lấy công làm lời, tự tay mình trồng, thu hoạch và đóng gói, sau đó mới thuê thêm nhân công.
Việc khó khăn nhất là hái hồng bởi không phải trái hồng nào cũng hái mà phải thuê nhân công, leo lên cây hồng cao ngất ngưởng, hái quả nào bỏ luôn vô bị quả đó, không được phép làm dập, hay rụng.
"Bên cạnh đó, tôi phải lựa trái vỏ màu cam đậm còn cứng thì mới đủ điều kiện để treo. Quá trình treo gió phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Một mẻ hồng có thành công hay không là phải chờ hai tuần sau khi lên giàn. Nguy cơ hồng mốc, rụng, hỏng hủy số lượng lớn hồng là điều hết sức bình thường.
Hồng treo là mô hình khởi nghiệp của cô gái quê Vĩnh Phúc |
Thư tâm sự: “Một ngày vào mùa vụ là tôi rất vất vả vì tính tôi cầu toàn nên muốn tự tay làm mọi khâu và có ngày cũng tối mịt mới dứt tay. Tôi khát khao phát triển nông sản Đà Lạt hơn nữa. Chỉ tiếc là sức người có hạn nên trước mắt tôi đang tập trung vào hồng treo gió”.
Còn non nghề nhưng năm đầu thâm nhập thị trường với Thư có chút khởi sắc và cô mong muốn doanh thu năm nay cao hơn năm ngoái.
“ Đến Đà Lạt để trồng hồng là một hành trình đi tìm lại chính mình, được sống với tuổi trẻ, dù nó khiến tôi rơi nước mắt nhiều hơn là niềm vui. Những lúc gặp khó khăn, tôi luôn nhớ lời căn dặn của bố lúc tiễn tôi đi là: 'hãy sống và cố gắng làm việc hết sức lực của con, khi nào không thể cố gắng nữa thì hãy nghĩ đến ngày bố đưa con ra sân bay, lúc đó con đi vì điều gì'”, Thư chia sẻ.
Bình luận (0)