Các cơn đau dữ dội do khối u xâm lấn gây ra khiến Georgia rất khó đi đứng và còn không ngủ được. Tuy nhiên, các bác sĩ ở khoa Cấp cứu nói rằng cô bị thiếu cơ ở một bên đầu gối.
Khi cơn đau của Georgia trở nặng hơn, cô đã quay lại bệnh viện. Sau khi chụp MRI, các bác sĩ cho biết cô bị đứt dây chằng và gãy chỏm đầu gối. Một bác sĩ đã phát hiện ra điều gì đó bất thường và chuyển kết quả chụp MRI của cô đến khoa Ung thư Xương của bệnh viện. Bác sĩ đã xác nhận cô bị ung thư xương.
Bị chẩn đoán nhầm là rách dây chằng, khối u đã phát triển trong nhiều tháng, tuy nhiên chưa di căn đến phổi. Georgia hiện phải đối mặt với 2 năm điều trị, bao gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Giải pháp cuối cùng có thể là phải cắt cụt chân.
Không muốn có thêm ai nữa bị chẩn đoán nhầm như mình, cô muốn nâng cao nhận thức về bệnh ung thư xương cho cộng đồng.
Ung thư xương là gì?
Ung thư xương là bệnh hiếm gặp trong các loại ung thư. Bệnh hay gặp ở thanh thiếu niên từ 10-25 tuổi.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), các khối u thường bắt đầu ở phần cuối của xương dài, nơi mô mới hình thành khi xương phát triển. Các vị trí phổ biến nhất để khối u phát triển là ở cánh tay và chân, đặc biệt là quanh khớp gối và khớp vai.
Mặc dù ban đầu cơn đau tại vị trí khối u có thể đến rồi đi, nhưng NHS cho biết cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng và liên tục hơn, đặc biệt là vào ban đêm.
Theo tổ chức về ung thư xương của Anh Sarcoma UK, bệnh tiến triển từ từ, triệu chứng không rõ ràng và có thể bị nhầm lẫn với chấn thương thể thao.
Ung thư xương có thể được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Đôi khi cần phải cắt cụt chi, nếu ung thư đã lan ra ngoài xương đến các mạch máu, dây thần kinh hoặc nếu không thể cắt bỏ phần ung thư, theo Daily Mail.
Bình luận (0)