Nguyễn Thanh Huyền tốt nghiệp ngành dược Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vào năm 2022. Năm 2023, Huyền nhận được học bổng toàn phần của Hội đồng Anh dành cho nữ giới trong lĩnh vực STEM (British Council scholarships for Women in STEM & University of Strathclyde, Glasgow), trị giá hơn 1,3 tỉ đồng.
"Để nhận được học bổng này, ứng viên cần có thành tích học tập tốt, cam kết đóng góp lâu dài cho sự phát triển STEM tại quê hương", Huyền nói.
Huyền cho biết từ nhỏ đã được truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học từ ba, một người tự học và sáng tạo những máy móc hữu ích cho gia đình. Dù không phải là nhà khoa học đúng nghĩa, nhưng chính niềm đam mê sáng tạo và khả năng tự học của ông đã truyền cảm hứng cho Huyền.
"Ba đã dạy mình rằng nếu kiên trì thử nghiệm và không ngừng học hỏi, bất kỳ vấn đề nào cũng có thể được giải quyết. Niềm đam mê của ba đã truyền sang mình từ lúc nào không hay. Từ đó, mình biết rằng nghiên cứu khoa học không chỉ là công việc, mà là hành trình đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi khó", Huyền chia sẻ.
Năm 2021, Huyền nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với sức khỏe và tuân thủ điều trị của bệnh nhân mạn tính ở VN. Kết quả cho thấy sự cần thiết của các chiến lược quản lý bệnh mạn tính hiệu quả hơn trong tương lai. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí SAGE Chronic Illness và báo cáo tại Hội nghị dược dịch tễ học châu Á lần thứ 14 ở Đài Loan năm 2022.
Cùng năm, Huyền tiếp tục có thêm nghiên cứu đánh giá sai sót trong chuẩn bị và thực hiện thuốc qua ống thông tại khoa hồi sức tích cực và hiệu quả can thiệp dược lâm sàng. Nghiên cứu đã được báo cáo tại Hội nghị khoa học dược bệnh viện TP.HCM mở rộng năm 2023. "Nghiên cứu can thiệp giúp nâng cao kiến thức điều dưỡng, giảm sai sót thuốc và cải thiện văn hóa an toàn thuốc", Huyền nói.
Vừa qua, Huyền đã hoàn thành luận văn thạc sĩ với đề tài "Khảo sát nhận thức của cộng đồng về các bệnh ung thư liên quan đến HPV và chương trình tiêm chủng vắc xin HPV ở Scotland". Nghiên cứu của Huyền đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ ung thư liên quan đến vi rút HPV, đặc biệt là ở nam giới. "Đối tượng mà chương trình tiêm chủng HPV vẫn còn ít chú tâm", Huyền nói.
Huyền tốt nghiệp thạc sĩ thống kê ứng dụng trong khoa học sức khỏe ĐH Strathclyde, Glasgow (Anh) vào đầu tháng 11.
Dù đạt được những thành công đáng kể, nhưng Huyền còn gặp nhiều vấn đề phức tạp trong lĩnh vực khoa học sức khỏe và nghiên cứu lâm sàng. "Một trong những thử thách lớn nhất là xử lý dữ liệu lâm sàng. Các nghiên cứu khoa học sức khỏe thường yêu cầu thu thập và phân tích một lượng lớn dữ liệu, từ nhân khẩu học, tiền sử bệnh, đến thông tin di truyền. Việc phân tích và xử lý những dữ liệu này đòi hỏi kỹ năng thống kê cao và khả năng hiểu rõ những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu", Huyền chia sẻ.
Theo Huyền, nữ giới vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách khi nghiên cứu khoa học. Một trong những khó khăn lớn là cân bằng giữa công việc và gia đình. "Một số nữ nghiên cứu viên vẫn phải đối mặt với những định kiến về vai trò giới trong công việc và gia đình", Huyền bộc bạch.
"Mục tiêu của mình là trở về VN với vai trò dược sĩ, giúp cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân; đồng thời tiếp tục nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế. Mình hy vọng có thể kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn để đóng góp tích cực cho cộng đồng", Huyền nói.
Tiến sĩ, dược sĩ Phạm Đức Hùng, công tác tại Bệnh viện nhi Cincinnati, Ohio (Mỹ), nhận xét: "Năm 2020, mình có lập nhóm Hippocrates Pharmacy, chuyên thông tin thuốc và y dược lâm sàng dựa trên chứng cứ, nhằm cung cấp thông tin chính xác, tin cậy cho nhân viên y tế, người dân. Từ ngày đầu thành lập, Huyền đã tham gia nhóm như thành viên rất tích cực. Huyền chủ động tham gia những dự án lớn của nhóm và đóng góp rất nhiều. Vì vậy, mình đã viết thư giới thiệu giúp Huyền đạt học bổng thạc sĩ ở Anh".
Tiến sĩ Hùng nhận xét Huyền có khả năng nghiên cứu tốt, rất chăm chỉ và năng nổ, chịu khó tìm tòi, học hỏi và rất giỏi kết nối, được bạn bè quý mến.
Bình luận (0)