Cô gái khiếm thính quyết học lớp bình thường viết nên cổ tích giữa lòng Hà Thành
10/04/2018 12:14 GMT+7
Khiếm thính từ năm lên 7 nhưng Linh không theo học trường dành cho trẻ khuyết tật mà lựa chọn học ở các trường như bao bạn khác. Sau khi tốt nghiệp đại học, Linh hiện đang có công việc ổn định với mức thu nhập tốt.
Tự động phát
Biến cố thay đổi cuộc đời của Trần Thảo Linh (25 tuổi, ngụ Hà Nội) bắt đầu từ năm học lớp hai. Sau buổi học từ trường về, Linh bị sốt cao, chỉ sau một đêm ngủ dậy cô bạn không còn nghe được gì nữa. Lo lắng cho con, bố mẹ đã đưa Linh đến nhiều cơ sở khám chữa bệnh, nhưng đều kết luận Linh sẽ điếc vĩnh viễn, và đều không rõ nguyên nhân.
Về sau gia đình mới biết, Linh nằm trong số ít những trẻ em bị biến chứng từ việc tiêm phòng vắc xin.
VIDEO: Chia sẻ của cô gái đầy nghị lực
|
'Cứ tiến mình về phía trước, rồi vũ trụ sẽ đáp lời'
Đó là châm ngôn sống mà Linh nhắc đến khi tâm sự về cuộc đời của mình. Đến giờ, Linh vẫn nhớ như in ngày mà từ một người bình thường có thể nghe được rõ ràng tiếng cha mẹ, tiếng bạn bè và những âm thanh của cuộc sống,… nhưng chỉ sau một đêm Linh đã “vĩnh viễn mình cũng không giống những người bình thường, không thể nghe được, mãi mãi phải dựa vào người khác để có thể nghe, sống và làm việc được”.
|
Linh cho biết, khi đó bố mẹ đã đấu tranh tâm lý xem nên đưa Linh chuyển đến trường dành cho trẻ em khuyết tật hay để Linh học ở trường cũ. Cuối cùng, bố mẹ quyết định cho Linh tiếp tục theo học ở trường cũ. "Nếu không có quyết định ấy, sẽ không có mình của ngày hôm nay, tốt hơn, giỏi hơn, lương cao hơn", Linh chia sẻ.
Những ngày tháng khó khăn của Linh cũng bắt đầu từ đó. Mỗi ngày đến trường, Linh thường bị các bạn cười ghẹo và trêu là não có vấn đề. Linh không nghe được lời thầy cô giảng nên việc học gặp không ít khó khăn.
"Để có thể hiểu lời cô giảng, mình chọn ngồi bàn đầu để có thể nhìn khẩu hình của cô, nếu cô nói nhanh quá thì mình xem vở của bạn bên cạnh và ghi chép lại để về nhà tự học. Những lúc các bạn khác chơi đùa, cũng là lúc mình tự học ở nhà. Do vậy, mình có thể tự học tốt các môn khoa học xã hội", Linh tâm sự.
Vẫn với ý chí và nghị lực ấy, Linh đã thi đậu ngành Công tác xã hội, trường Đại học Lao động - Xã hội với mong muốn có thể giúp đỡ những người khuyết tật như mình hòa nhập với xã hội.
Động lực lớn nhất bắt nguồn từ bản thân
Biết rằng đối với mình, mọi cơ hội việc làm đều rất khó khăn, nên ngay từ những ngày đầu học đại học, Linh đã xác định rằng phải học tập và rèn luyện để khi ra trường có thể xin được việc. Linh hăng hái tham gia công tác Đoàn, tham gia công việc tổ chức sự kiện để trau dồi cho mình khả năng giao tiếp, làm việc nhóm ở trong những môi trường ngày càng năng động hơn.
|
Những công việc này đã giúp Linh bén duyên với lĩnh vực truyền thông, phát huy thế mạnh về khả năng viết và khả năng đọc, viết tiếng Anh.
Năm 2015, tốt nghiệp đại học, Linh nộp đơn vào 10 công ty nhưng đều bị từ chối. Linh bảo nhớ nhất câu nói của một công ty rằng: “Hồ sơ của em rất tốt, nhưng chúng tôi rất tiếc. Chúng tôi không thể tin tưởng vào khả năng của em, vì em không nghe được”.
|
Không bỏ cuộc, cuối cùng Linh cũng xin được làm nhân viên kinh doanh tại một công ty với mức lương khởi điểm là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, đây không phải là lĩnh vực mà Linh yêu thích, bởi cô bạn luôn mong muốn được làm ở lĩnh vực truyền thông và trở thành giám đốc sáng tạo một thương hiệu nào đó nên đã quyết định xin nghỉ việc.
Với chính khả năng của mình, Linh đã tìm được công việc marketing, sản xuất nội dung trên các phương tiện truyền thông như Facebook, Instagram ở một công ty kinh doanh về công nghệ tại Hà Nội với mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng.
Linh cho biết ở công việc mới này, tuy vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp, tương tác với các thành viên trong công ty,… nhưng cô gái 25 tuổi đều cố gắng khắc phục bằng cách: nhờ đồng nghiệp tóm tắt lại nội dung cuộc họp cho mình, xem lại biên bản cuộc họp, giao tiếp một - một với cấp trên, giao tiếp với khách hàng qua email, tin nhắn…
|
Với sự cố gắng không ngừng của mình, chất lượng công việc của Linh ngày càng tốt hơn. Linh được đồng nghiệp và cấp trên tin tưởng, thậm chí có những khách hàng còn thường xuyên đặt Linh làm các dự án truyền thông, hoặc nhờ Linh tư vấn mỗi khi có sự vụ gì xảy ra.
Đúng vậy, Linh đã phải nỗ lực rất nhiều để khắc phục những khiếm khuyết ấy. Tuy nhiên, có một điều tốt đẹp nữa ở Linh, đó là mong muốn sau này có thể hỗ trợ những người khuyết tật tái hoà nhập với cộng đồng, có công việc ổn định như mô hình cà phê dành cho người khuyết tật ở Đà Nẵng.
|
|
Bình luận (0)