Cô gái khởi nghiệp từ loại men truyền thống của người Mông

18/02/2025 07:00 GMT+7

Nhận thấy nghề làm men lá truyền thống của người Mông đang dần bị mai một, cô gái trẻ bỏ việc ở Hà Nội để về quê Hà Giang khởi nghiệp và đã tạo ra một thương hiệu nổi tiếng.

Thôn Mã Hồng (xã Thanh Vân, H.Quản Bạ, Hà Giang) vốn có nghề làm men lá truyền thống của người Mông, nhưng hiện nay do lối sống thay đổi và sự xuất hiện của các loại men công nghiệp nên nghề làm men lá dần bị lãng quên. Rất may là dự án "Bảo tồn và phát triển men lá truyền thống của người Mông" của chị Tạ Thảo Nhi (29 tuổi) đã ra đời, giúp giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời tạo việc làm cho bà con với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cô gái khởi nghiệp từ loại men truyền thống của người Mông- Ảnh 1.

Chị Tạ Thảo Nhi tại cơ sở sản xuất men lá truyền thống ở Hà Giang

ẢNH: NVCC

Chị Nhi quê ở H.Bắc Mê, thuộc vùng sâu, vùng xa của Hà Giang. Lớn lên ở vùng quê nghèo, chị đã nỗ lực học tập và tốt nghiệp Trường ĐH Luật Hà Nội. Sau khi ra trường, chị có 2 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng ở Hà Nội, nhưng cơ duyên đã đưa chị đến với nghề làm men lá khi theo chồng về H.Quản Bạ, Hà Giang. Tạ đây, chị thấy sản phẩm men rượu làm từ lá cây thảo dược của đồng bào Mông rất tốt.

Tuy nhiên, nghề làm men lá ở đây đang dần mai một do người nấu rượu chuyển sang sử dụng men công nghiệp để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Các bạn trẻ hầu như không ai học nghề làm men lá nữa. "Tại sao không phát triển nghề làm men lá thành thương hiệu của địa phương?", chị Nhi trăn trở và đã phát triển ý tưởng bảo tồn, giữ gìn men lá, đưa bản sắc văn hóa trở thành sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế.

Để ý tưởng trở thành hiện thực, năm 2022, chị Nhi thành lập HTX nông nghiệp du lịch cộng đồng Thanh Vân, liên kết với những hộ dân trên địa bàn xã tìm tòi, học hỏi, ứng dụng kỹ thuật sản xuất men lá theo công nghệ mới nhưng vẫn giữ hương vị truyền thống.

Với diện tích xưởng hơn 200 m², đầu tư hệ thống máy móc sản xuất men lá truyền thống, mỗi tháng HTX nông nghiệp du lịch cộng đồng Thanh Vân cung cấp ra thị trường 2.000 - 3.000 bánh men lá, đạt doanh thu 750 triệu đồng/năm. Sản phẩm men lá của HTX đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP của quốc gia.

"Tôi muốn tạo động lực cho bà con người dân tộc Mông giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời tạo sinh kế cho bà con. Đây cũng là sản phẩm giúp tăng thêm điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch Quản Bạ; khơi dậy niềm tự hào về bản sắc dân tộc cho các bạn trẻ để các bạn có ý thức bảo tồn, giữ gìn hơn" chị Nhi chia sẻ.

Cô gái khởi nghiệp từ loại men truyền thống của người Mông- Ảnh 2.

Chị Tạ Thảo Nhi giới thiệu sản phẩm tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024 do T.Ư Đoàn tổ chức - ẢNH: DƯƠNG TRIỀU

ẢNH: NVCC

Kể về quá trình làm men lá cho ra sản phẩm giống như của bà con dân tộc, chị Nhi cho biết đã trải qua không ít khó khăn. Trong làng nghề khi ấy chỉ còn một cụ ông giữ nghề men lá. Ông làm men lá từ thời trẻ, bán cho bà con cả xã, nhưng con cháu không ai nối nghiệp...

"Tôi đã được ông truyền dạy vài tháng và khi sản phẩm của chúng tôi ra được thị trường thì ông mất. Chúng tôi là người nối nghiệp ông làm ra sản phẩm men có hương vị đúng bản sắc của người dân tộc Mông", chị Nhi chia sẻ.

Chị Nhi kể, khi bắt đầu sản xuất quy mô lớn, do chưa đủ kiến thức về vi sinh nên sản phẩm gần như bị hỏng, phải vứt bỏ, thiệt hại rất lớn. Sau nhiều lần thất bại, chị đã tìm được giải pháp để duy trì và bảo tồn giống men này.

Theo chị Nhi, hiện dự án mới chỉ ở giai đoạn 1 và chưa đẩy mạnh ra thị trường nhưng doanh số cũng rất khả quan với khoảng 750 triệu đồng/năm và đã có lợi nhuận. "Tỷ lệ khách hàng quay lại với chúng tôi khoảng 60%, chủ yếu là các xưởng rượu lớn ở khắp các miền Bắc, Trung, Nam, bởi sản phẩm có hương vị phù hợp với các vùng miền trên toàn quốc", chị Nhi tự hào nói.

Sau 2 năm khởi nghiệp, hiện HTX của chị Nhi tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và việc làm thời vụ cho 4 lao động địa phương với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.

"Tôi muốn tạo thương hiệu cho làng nghề để người Mông thay đổi tư duy làm kinh tế, từ đó có thể vừa làm giàu bằng tài nguyên bản địa, vừa giữ gìn được văn hóa truyền thống. Đồng thời, khách hàng được trải nghiệm sản phẩm đặc trưng của người Mông", chị Nhi tâm sự. Chia sẻ về dự định của mình, chị cho biết sẽ phát triển thêm các sản phẩm như thịt sấy, thịt treo gác bếp, với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc ít người.

Với những ý tưởng sáng tạo, vì cộng đồng, vượt qua hàng trăm dự án khởi nghiệp trên toàn quốc, dự án "Bảo tồn và phát triển men lá truyền thống của người Mông" đã lọt vào top 10 dự án xuất sắc tại vòng chung kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024 do T.Ư Đoàn tổ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.