Võ Thị Nhung Nhi làm giàu từ 3000 cây trồng và vật nuôi |
NVCC |
Bỏ phố về làm nông dân
Sinh ra trong gia đình thuần nông, Võ Thị Nhung Nhi (27 tuổi) sớm cảm nhận được những nỗi khó khăn, vất vả của người nông dân trên mảnh đất Kon Tum. Năm 2013, cô lên TP.HCM vừa học chuyên ngành marketing vừa đi làm thêm với hy vọng được tiếp xúc và học hỏi nhiều hơn ở môi trường mới nhằm giúp đỡ gia đình.
Sau khi ra trường, Nhi làm truyền thông cho một công ty với mức thu nhập ổn định, nhưng trong lòng cô lại nung nấu giấc mơ phát triển sinh kế cho gia đình và quê hương. Thế nên, vào tháng 3.2022, cô quyết định “bỏ phố về quê”.
Võ Thị Nhung Nhi - cô nông dân làm giàu từ nông sản quê hương |
Ngày cô quyết định trở về Kon Tum cũng là lúc gia đình, bạn bè phản đối rất nhiều vì công việc của cô lúc đó khá thuận lợi và đã có 10 năm gắn bó với thành phố thì các mối quan hệ cũng như cơ hội phát triển rất tiềm năng.
Chị Yến Phương (34 tuổi, ngụ tại xã Đắk Hring, H.Đắk Hà, Kon Tum), chị ruột của Nhi, cho biết: “Lúc đầu khi nghe Nhi nói, tôi cũng có chút phân vân, vì nghĩ Nhi nên ở thành phố lập nghiệp sẽ có tương lai hơn. Nhưng Nhi bảo muốn mang những sản phẩm ba mẹ nuôi trồng, những sản phẩm sạch của Tây nguyên đến thành phố để cho mọi người biết nhiều hơn thì tôi cũng dần tin tưởng và ủng hộ”.
Cây ăn quả, rau màu và đàn heo bản, gà rẫy của Nhung Nhi |
NVCC |
Với số vốn tích lũy cùng mảnh vườn 2 ha của gia đình, Nhi bắt tay xây dựng mô hình nuôi trồng nông sản sạch khép kín VAC (vườn - ao - chuồng) với những giống cây, vật nuôi đặc trưng của Tây nguyên. Ngoài kiến thức nông nghiệp từ gia đình, Nhi còn tìm hiểu thêm trên internet và đến một số nước để học hỏi kinh nghiệm như: Campuchia, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc…
“Dù có các kiến thức làm nông nghiệp truyền thống nhưng tôi luôn muốn học hỏi thêm để cải tiến, tăng hiệu quả cho mô hình khởi nghiệp. Nhiều nơi có điều kiện thiên nhiên không thuận lợi nhưng vẫn phát triển nông nghiệp được, nên tôi muốn ra ngoài để thấy người ta làm thế nào, rút kinh nghiệm rồi trang bị cho mình”, Nhung Nhi tâm sự.
Nỗ lực cho nông sản sạch
Mô hình lập nghiệp của Nhi tận dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có, tự cung tự cấp để phát triển mà không can thiệp bằng phương pháp làm nông nghiệp thị trường như những mô hình khác. Ví dụ, trong chăn nuôi thì dùng nguồn thức ăn có sẵn từ thân chuối hoặc cây trái hư hỏng, trong trồng trọt thì bón bằng vỏ cà phê, cỏ xén…
“Những nơi khác heo nuôi 3 tháng thì có thể xuất, còn đối với mô hình này thì mất 2 năm, nông sản khác cũng vậy. Dù mất nhiều thời gian hơn, nhưng tôi muốn đầu tư vào chất lượng sạch để chính gia đình, bạn bè và khách hàng của tôi đón nhận hơn là chạy theo lợi nhuận kinh tế trước mắt”, Nhi cho hay.
Sau 6 tháng lập nghiệp, đến nay mô hình nông nghiệp sạch của cô đã được mở rộng, đa dạng về số lượng và chất lượng nông sản. Hiện tại, Nhi đã và đang chăm sóc hơn 1.500 cây cà phê, 200 cây sầu riêng, 400 gốc cam, 200 bụi chuối, hàng chục loại cây ăn quả và rau màu khác như: chôm chôm, mít, bơ, tiêu, ớt… Về chăn nuôi thì có 120 heo bản lớn nhỏ, hơn 150 gà rẫy và một số ngan, ngỗng.
Với doanh thu ước tính hàng chục triệu đồng mỗi tháng, hiện tại các sản phẩm từ mô hình của Nhi được nhiều người đón nhận bởi chất lượng mang lại. Đỉnh điểm có tháng cô bán được hơn 8 tạ thịt heo bản, gà rẫy.
Dù có các kiến thức làm nông nghiệp truyền thống nhưng tôi luôn muốn học hỏi thêm để cải tiến, tăng hiệu quả cho mô hình khởi nghiệp. Nhiều nơi có điều kiện thiên nhiên không thuận lợi nhưng vẫn phát triển nông nghiệp được, nên tôi muốn ra ngoài để thấy người ta làm thế nào, rút kinh nghiệm rồi trang bị cho mình.
VÕ THỊ NHUNG NHI
Là khách hàng thân thiết của Nhi, bà Lê Hồng (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ngụ tại Q.7, TP.HCM) cho biết: “Lúc đầu tìm mua nông sản cũng hơi lo về chất lượng, nhưng khi dùng thì thấy rất ổn. Tôi rất quý Nhi vì không chạy theo số đông, mà tìm về chất lượng nông sản sạch. Để duy trì mô hình này, Nhi phải rất quyết tâm mới làm được”.
Bên cạnh việc phát triển mô hình lập nghiệp, Nhi còn tạo kế sinh nhai cho một số hộ gia đình khó khăn khi cùng cô làm nông nghiệp sạch hay tặng họ nguồn cây giống, con giống. Trong tương lai, cô sẽ học hỏi thêm nhiều kiến thức hơn để có thể hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ đồng bào làm giàu từ nông nghiệp.
Bình luận (0)