Cựu sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam cùng nhóm bạn kêu gọi xây dựng trường học, xây cầu, mang những phần ăn có thịt đến với trẻ em đồng bào miền núi. “Công việc tình nguyện này chạm đến tuổi thơ, giá trị cũ của tôi. Vì ngày xưa quê tôi nghèo, nhà tôi nghèo. Trẻ con đi học phải đi bộ xa xôi. Tôi đồng cảm với đồng bào miền núi như mình và mình muốn giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn mình ngày xưa. Đó là ước mơ của tôi”, Mùi chia sẻ.
Chuyến đi đầu tiên cách đây vài năm của Mùi cùng nhóm bạn là trở về ngay chính quê hương của mình. Lần đó, cô và nhóm bạn bắt tay vào sửa lại trường học, xây dựng thêm thư viện và trồng lại cây xanh xung quanh trường cũ của mình.
Mùi còn tham gia chuyến đi xa tận Hà Giang. Hàng trăm chiếc bánh chưng, và những phần ăn, áo ấm được nhóm bạn mang từ miền xuôi lên núi xa để trao tặng.
“Nếu có khả năng hơn, tôi ước mơ tự tay mình xây dựng một ngôi trường dạy cho các trẻ nhỏ. Ở đó tôi sẽ dạy về kỹ năng, tư duy, cách sống và kiếm tiền khi lớn lên của các bạn nhỏ”, Mùi nói.
Bởi những suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu khiến cho bà con đồng bào quê Mùi vẫn còn nghèo khó nên cô ước mong thay đổi nhận thức tích cực, giúp bà con dân tộc thiểu số biết cách làm giàu. Điều đó đã thôi thúc Mùi thực hiện những chuyến đi thiện nguyện giúp đỡ những đứa trẻ miền núi.
Ngoài ra, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Buddha Bar tại P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM trở thành một trong những điểm nóng. Một lần vô tình thấy thông tin trên mạng kêu gọi tình nguyện viên phiên dịch, vận động người nước ngoài đi cách ly, Mùi đã không ngần ngại gọi điện tham gia.
Nhớ lại những lúc mặc đồ bảo hộ, đeo kính, khẩu trang gần như cả ngày, Mùi kể: “Ngày đầu tôi lên những tòa nhà bị cách ly cùng với y sĩ. Tôi hỏi thông tin đầy đủ của người nước ngoài để lưu và lấy mẫu xét nghiệm. Những ngày sau quen dần tôi đi vận động những người nghi nhiễm để đi cách ly. Tôi đi cả sáng đến tối khuya trên xe với các anh bên y tế”.
Với vốn tiếng Anh có sẵn, Mùi dễ dàng tiếp cận với những người nước ngoài. Tuy vậy, vẫn có những “ca” khó Mùi phải tìm nhiều cách để thuyết phục. Lắm lúc Mùi phải cố gắng lắng nghe nhiều hơn, nói nhiều hơn để người nước ngoài hiểu được văn hóa và cách chống dịch của Việt Nam. Mùi nói: “Gặp những người nghi nhiễm tôi cũng hơi sợ nhưng luôn cố gắng giữ khoảng cách 2 m. Người nước ngoài có thói quen nói chuyện xong lại quên, hay lại gần, tôi luôn nhắc họ phải giữ khoảng cách. Tôi còn nhớ có lần tôi gặp một người bạn ở chung nhà với phi công người Anh nhưng không ai biết. Đến tối tôi vận động đưa người đó đi cách ly ngay trong đêm luôn”.
Đến khi cuộc sống trở lại bình thường, Mùi mới cảm thấy sự thanh thản, vui hơn vì khi tham gia các hoạt động tình nguyện là cách cô giúp đỡ phần nhỏ nào đó cho cộng đồng. Theo Mùi, đó là một trải nghiệm thú vị, không bao giờ quên.
Bình luận (0)