Thế nhưng trực tiếp học với một cô gái đến từ Nhật và được truyền cảm hứng là một trải nghiệm đáng nhớ. Yuko Nishimura rời nước Nhật đến VN mở lớp dạy làm đồ trang sức và chụp ảnh bằng smartphone tại Kawaii - nằm trong một chung cư giữa lòng Sài Gòn.
Tự may quần áo, tự trang trí cho trang phục bằng những hình thêu đầy nghệ thuật hay tự làm chăn mền, túi da...
“Thật sự, trang sức từ nhựa UV Resin không mới, có thể tự làm tại nhà nếu như có đầy đủ dụng cụ nhưng tôi vẫn thích đến lớp học của chị Yuko Nishimura. Bởi tại đây, ngoài việc có đầy đủ dụng cụ cần thiết thì chị Yuko Nishimura còn giúp cho sự sáng tạo của tôi bay cao hơn. Tôi nghĩ nếu có điều kiện ai cũng muốn đến lớp học của một người Nhật để tìm hiểu về món trang sức xuất phát từ đất nước này thay vì học qua mạng. Thêm vào đó, ở lớp bạn còn có cơ hội gặp gỡ và làm quen được với những người có cùng đam mê”, Thạch Thảo, nhân viên văn phòng tại Q.1 (TP.HCM) cho biết.
|
Chị Yuko Nishimura chia sẻ về lớp học làm đồ trang sức của mình: “Tất cả các dụng cụ từ nhựa UV Resin, đèn LED, miếng sticker hay khung… đều được tôi mang từ Nhật qua đây. Làm đồ trang sức không khó nhưng bạn phải kiên nhẫn. Đầu tiên là đổ nhựa UV Resin vào khung, rồi cho các vật trang trí vào, điều chỉnh bố cục, sau đó dùng đèn LED đông cứng nhựa lại. Lặp lại thao tác này cho đến khi khung được lấp đầy. Thông thường khoảng 5 - 6 lớp và có thể điều chỉnh bố cục họa tiết theo ý thích của từng người”.
|
Hầu hết kinh nghiệm mà Yuko Nishimura truyền lại cho những người đam mê trang sức đều được chị “tích góp” từ thực tế tại Nhật Bản. Chị cho biết hầu như phụ nữ Nhật Bản nào cũng thích làm đồ handmade và hiện tại trang sức từ nhựa UV Resin đang được ưa chuộng vì “không có cái nào giống cái nào, nên không có chuyện đụng hàng”.
“Mỗi một cái đều khác nhau về họa tiết và khoảng cách giữa các họa tiết với nhau. Dù có muốn thì cũng khó mà làm giống y như nhau được. Ngoài ra, sở dĩ nhiều người thích loại trang sức này vì ngoài chuyện dùng nhựa đông cứng sticker thì còn có thể đông cứng nhiều thứ khác như bánh cupcake, hoa khô... Khi đông cứng bằng nhựa rồi thì người ta có thể giữ món đồ đó một thời gian dài bằng cách “biến” nó thành đồ trang sức”, chị nói thêm.
|
Ngoài việc làm đồ trang sức, chị Yuko Nishimura còn mở thêm lớp dạy chụp ảnh bằng iPhone. “Không cần ảnh kỹ thuật số hay máy cơ chuyên nghiệp, chỉ cần một vài mẹo nhỏ là chúng ta có thể chụp hình đẹp”.
Chị cho biết: “Bây giờ ai cũng có một chiếc điện thoại thông minh để ghi lại những hình ảnh mà người ta vô tình bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng, không phải ai cũng biết góc nào thì chụp sẽ đẹp hoặc cách canh ánh sáng như thế nào là chuẩn. Nên tôi nảy ra ý tưởng mở lớp dạy chụp ảnh bằng iPhone”.
|
Tại lớp học này, học viên không chỉ có thêm kiến thức về chụp ảnh mà còn được học một số mẹo do chính chị đúc kết từ nhiều năm làm nhiếp ảnh gia. Bạn Thanh Thúy, sống ở Q.7 (TP.HCM) nói: “Cứ tưởng chụp ảnh dễ nhưng không dễ tí nào hết. Chỉ cần sai góc chụp là bạn đã khiến một người cao 1,65 m thấp bé như một người cao 1,45 m. Lớp học cung cấp cho những ai không biết tạo dáng trước ống kính biết cách thả lỏng cơ thể để mềm mại và… ăn ảnh hơn”.
|
Khi còn sống tại Nhật, chị Yuko Nishimura từng theo học nhiếp ảnh và hiện tại cũng thường xuyên nhận chụp ảnh quảng cáo cho một số nhãn hàng tại các trung tâm thương mại. “Thật sự tôi muốn mở lớp dạy chụp ảnh dành cho máy cơ. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để mua. Bây giờ, ra phố cứ thấy ai mà sử dụng máy cơ là tôi mừng lắm. Giống như gặp được người tri kỷ vậy đó!”, chị nói.
|
Hiện tại, “ngôi nhà Kawaii” của chị Yuko Nishimura thường xuyên tổ chức hai lớp học trên. Chị còn dự định mở nhiều lớp dạy làm đồ handmade khác: “Tôi đang nghiên cứu mời một số thầy cô về dạy lớp tạo hình cho len. Loại hình nghệ thuật này rất thú vị. Chỉ cần một cây que và cuộn len là bạn có thể biến hóa thành các hình thù khác nhau từ thú vật, trái cây, búp bê...”.
Bình luận (0)