Cô gái nhiễm chất độc da cam dành 3.670 giờ thêu tranh bằng chân

05/06/2018 16:00 GMT+7

Một cô gái 28 tuổi bị ảnh hưởng chất độc da cam ở Phú Thọ đã kiên nhẫn bỏ ra 3.670 giờ trong 367 ngày để thêu xong một bức tranh bằng chân.

Thêu tranh chữ thập với mọi người là công việc không khó, thế nhưng, với cô gái bị yếu cơ ở cả hai tay và hai chân như Đỗ Thị Út là một hành trình gian nan. Bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha tham gia kháng chiến, Đỗ Thị Út từ khi sinh ra đã có đôi tay và đôi chân không bình thường. Cô không thể tự di chuyển mà phải phụ thuộc vào chiếc xe lăn, đôi tay cũng không thể làm việc gì. “Tôi không thể tự bưng bát, không thể tự cầm khăn rửa mặt. Tôi tập làm tất cả bằng chân, từ xúc cơm, sử dụng điện thoại, cho đến thêu tranh”, Đỗ Thị Út chia sẻ.
Đỗ Thị Út thêu tranh bằng chân
Út từ nhỏ đã không được đến trường. Cô nhìn các anh chị trong nhà học bài, sau đó tự học bảng chữ cái, viết chữ, số và sau đó đọc, viết thành thạo. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy Út sử dụng điện thoại cảm ứng bằng chân, xúc cơm ăn bằng chân; dưới những ngón chân của Út, những họa tiết trong bức tranh thêu dần hiện ra rực rỡ.
Út cho biết nhờ chiếc điện thoại thông minh cô được tặng, cô có đông đảo bạn bè ở khắp mọi miền Tổ quốc, mọi người đã dành cho cô nhiều lời động viên để cô không cảm thấy nản chí, chán nản vì mình là người khuyết tật.
Bức tranh thêu của Út Hoài Thương
Mới đây, Út đã hoàn thành xong bức tranh thêu chữ thập đầu tiên, sau 367 ngày. "Mỗi ngày tôi dành từ 9-10 giờ đồng hồ để thêu. Đúng 1 năm và 2 ngày thì bức tranh hoàn thành. Tôi đang thêu bức thứ 2, dự kiến vài tháng sẽ xong", Út khoe.
“Tôi thêu tranh bằng chân, một phần vì muốn sử dụng thời gian mình có một cách hữu ích. Mặt khác, tôi muốn nhắn nhủ với những người bạn khuyết tật, bị ảnh hưởng chất độc da cam khác đừng bao giờ bỏ cuộc. Những gì mọi người bình thường làm được, chúng tôi cũng sẽ làm được”, Út bộc bạch.
Đỗ Thị Út là con út trong gia đình có 7 anh chị em. 6 anh chị em của Út đều bình thường, đã lập gia đình.
Cô gái 28 tuổi muốn truyền cảm hứng cho mọi người về nghị lực, sự lạc quan Hoài Thương
Trong căn nhà nhỏ xíu ở khu 1, xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, Phú Thọ, bố Út là ông Đỗ Văn Hồi đã 75 tuổi, mẹ Út là bà Lê Thị Vang đã bước sang tuổi 73, tất cả đều già yếu, bệnh tật nhưng vẫn phải chăn nuôi gà, vịt và nấu rượu để bán, mong có tiền nuôi con gái. Khoản tiền hơn 3 triệu đồng nhà nước trợ cấp cho ông Hồi và Út không thể nuôi sống đủ 3 người.
Cô gái sinh năm 1990 mắt đượm buồm: “Tôi luôn ước mơ có một chiếc xe lăn bằng điện, để tự mình có thể di chuyển, không lệ thuộc vào bố mẹ già yếu. Tôi thương bố mẹ tôi vô cùng. Mẹ tôi hơn 70 tuổi, thi thoảng vẫn giúp tôi cầm khăn lau mặt…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.