Câu chuyện cô gái Pháp gốc Việt - Marion quyết dành trọn cả cuộc đời để tìm lại người thân máu mủ khiến nhiều người vừa cảm động, vừa ngưỡng mộ.
Ai cũng cầu mong một phép màu nào đó sẽ đến trong cuộc đời của cô gái vừa sinh ra đã chịu nhiều bất hạnh.
Không bao giờ quên nguồn cội
Theo những giấy tờ nhận nuôi được Marion cung cấp, chúng tôi hết sức bất ngờ vì đây là một trường hợp đặc biệt. Không giống với những đứa trẻ khác bị mẹ ruột bỏ lại bệnh viện, trong “Biên bản trẻ bị bỏ rơi" được lập ngày 20.1.1996, với sự xác nhận của Trưởng Công an P.Phạm Ngũ Lão và các bên liên quan ghi rõ Tống Khánh Hồng (tức Marion) không xác định được ngày sinh, mẹ ruột.
Trong tài liệu lý lịch về trẻ sơ sinh gửi cô nhi viện của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cung cấp thời điểm đó cũng cho biết ngày 5.12.1995, một bé gái nặng gần 2,7 kg đã được Công an Q.4 chuyển đến đây. Bệnh viện không biết tên người mẹ, cũng không thể biết được ngày sinh. Đặc biệt trong hồ sơ lưu giữ nhận nuôi của ba mẹ cô gái. trường hợp của Khánh Hồng còn được ghi chú bằng 2 chữ rất đặc biệt: "Bắt cóc".
Theo tìm của PV Thanh Niên và sự phối hợp tận tình của BV Từ Dũ, thì 2 chữ "bắt cóc" ở đây đề cập đến một đường dây mua bán trẻ sơ sinh từ miền Tây lên TP.HCM vào tháng 8.1995 và đã bị công an triệt phá. Vụ án này sau đó được Tòa án nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử vào tháng 6.1998.
Theo đó, đường dây này đã mua bán 9 trẻ em sơ sinh từ miền Tây lên TP.HCM và bán cho các gia đình. Sau khi bị công an triệt phá thì phát hiện ra trường hợp của Khánh Hồng. Từ BV Từ Dũ, cô bé với cái tên Tống Khánh Hồng đã được chuyển đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp để chăm sóc.
Trên thực tế, theo giấy tờ nhận nuôi bản tiếng Pháp được gửi cho ba mẹ nuôi trong quá trình làm thủ tục nhận nuôi con, chị Marion là nạn nhân trong một đường dây "Mua bán trẻ em" từ miền Tây đến TP.HCM vào tháng 8.1995.
Vụ án này sau đó được Tòa án nhân dân TP.HCM đưa ra xét xử vào tháng 6.1998.
Những người mua bán Marion năm đó đã nhận được sự trừng trị của pháp luật. Tuy nhiên, cô gái thì không thể tìm lại ba mẹ ruột của mình (click vào ảnh để xem bản dịch).
Những người mua bán trẻ em năm đó đã nhận sự trừng trị của pháp luật. Tuy nhiên, cô gái thì thì không thể tìm lại ba mẹ ruột của mình (click vào ảnh để xem bản dịch).
10 tuổi, tức năm 2006, Khánh Hồng được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi. Từ đây, cuộc đời của cô gái nhỏ bé được chuyển sang một trang mới đầy tươi sáng ở TP.Toulouse, cùng cái tên mới Marion.
“Thế nhưng trái tim tôi thì không bao giờ quên nguồn cội, không bao giờ quên gia đình Việt Nam của mình. Từ nhỏ, tôi đã không thôi hy vọng có thể tìm được ba mẹ ruột vì tôi muốn biết điều gì đã xảy ra trong ngày tôi cất tiếng khóc chào đời. Tôi sẽ làm mọi thứ và tôi sẽ không từ bỏ việc tìm kiếm cha mẹ ruột của mình, dẫu rằng việc này có phải làm cả cuộc đời của tôi đi nữa”, cô gái Pháp xúc động nói.
Đó cũng là hành trình mà chị Marion tìm câu trả lời cho hàng vạn những câu hỏi còn đang dang dở về cuộc đời của chính mình, rằng: “Tôi là ai?”, “Ba mẹ của tôi là ai?”, "Điều gì đã xảy ra khi tôi vừa sinh ra đời?", “Liệu rằng họ có đang mong nhớ tôi?”...
Trong những chập chờn của giấc mơ và hy vọng, cô gái Pháp mường tượng một ngày, nếu được gặp lại ba mẹ ruột, họ sẽ dành cho nhau một cái ôm thật chặt, thật lâu vào lòng nhau như để trút hết nỗi niềm của ngần ấy năm tháng đời người. Lẽ ra, nếu không có sự khắc nghiệt của số phận, chị đã không phải sống trong trại trẻ mồ côi tận 10 năm không có tình thương của ba mẹ ruột.
“Tôi sẽ kể cho họ nghe về cuộc sống mà 27 năm nay tôi đã phải trải qua và hỏi họ tất cả những thắc mắc của mình. Khi tôi bắt đầu tìm ba mẹ, tôi không bỏ cuộc. Cũng có thể họ muốn tìm lại tôi chăng nên tôi sẽ đi hết con đường này", chị Marion nhấn mạnh về quyết tâm của mình.
Biết ơn những tình cảm của ba mẹ nuôi
Cô gái Pháp cũng tâm sự rằng, từ ngày được sống ở nước Pháp phồn hoa cũng là ngày cô được ba mẹ nuôi yêu thương, chăm sóc chu đáo như con ruột. Họ hết sức tâm lý, hiểu và tôn trọng tất cả những quyết định, những bước đi trên con đường mà chị đang theo đuổi. Chị không biết làm cách nào để có thể diễn tả hết sự biết ơn của mình trước tấm lòng nhân hậu đó.
Năm 2015, ông bà cũng cùng chị về Việt Nam, đồng hành cùng chị trên hành trình tìm lại ba mẹ ruột, nhưng không có kết quả. Bởi ngay cả một cái tên của ba hoặc mẹ, cô gái đều không thể nào biết được.
Cô con gái nuôi cũng bật mí ba mẹ mình cũng nhận nuôi thêm 2 người chị khác khi họ được 3 tháng và 6 tháng tuổi. Năm Marion 18 tuổi, chị rời xa vòng tay của ba mẹ nuôi để sống tự lập một mình. Nhưng những ngày không phải làm việc, chị cũng dành thời gian để về thăm lại họ.
Hiện Marion đang làm việc tại một tổ chức xã hội chăm sóc cho trẻ từ 0 - 3 tuổi được 8 năm qua. Cô gái cũng là một họa sĩ về hoạt hình và làm huấn luyện viên thể thao ở nhiều lứa tuổi. Bên cạnh đó, cô gái Pháp cũng có một niềm đam mê đặc biệt với bộ môn khiêu vũ và đã gắn bó với nó suốt 11 năm qua.
Với hy vọng mong manh, chị Marion chưa bao giờ bỏ cuộc.
NVCC
Nói về hành trình tìm ba mẹ ruột của con gái nuôi, vợ chồng bà Veronique (63 tuổi) nhắn nhủ với con gái: “Ba mẹ chấp nhận sự lựa chọn của con, sẽ đồng hành và hỗ trợ con tìm câu trả lời về nguồn cội của mình. Con sẽ luôn là con gái tuyệt vời và là niềm tự hào lớn nhất của ba mẹ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ba mẹ vẫn sẽ luôn bên cạnh con”.
Anh Đỗ Hồng Phúc (27 tuổi, ngụ TP.HCM), là vị kiến trúc sư nổi tiếng trong việc hỗ trợ các trường hợp người nước ngoài tìm lại thân nhân ở Việt Nam đã giúp đỡ chị Marion tìm lại người thân ruột thịt. Anh hy vọng câu chuyện sẽ được lan tỏa để cô gái Pháp có thể hoàn thành tâm nguyện lớn nhất cuộc đời, dẫu rằng hy vọng mong manh.
Những thông tin quý giá từ Bệnh viện Từ Dũ
Trong hành trình tìm lại gia đình ruột cho chị Marion (hay Tống Khánh Hồng), báo Thanh Niên và anh Đỗ Hồng Phúc đã nhận được sự hỗ trợ hết lòng từ phía Bệnh viện Từ Dũ.
Thông qua những tài liệu viết tay quý giá mà bệnh viện còn lưu giữ suốt hàng thập kỷ qua, BS.CKII.Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ cho biết có trường hợp của bé Tống Khánh Hồng được phía Công an Q.4 đưa vào bệnh viện ngày 5.12.1995 và được chuyển đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp vào ngày 26.1.1996, không rõ ba hay mẹ ruột.
"Thông thường, những hồ sơ, tài liệu chỉ được lưu giữ trong vòng 10 năm. May mắn là những trường hợp đặc biệt như của cô gái Pháp này vẫn còn được chúng tôi lưu giữ bằng một quyển vở viết tay quý giá. Thời điểm đó, cháu bé được các y bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Sơ sinh ở bệnh viện nuôi nấng, chăm sóc tận tình trong 51 ngày và thực hiện các thủ tục để bàn giao cháu một cách an toàn cho cô nhi viện.
Tôi thật xúc động khi cháu bé có mong muốn tìm về với nguồn cội, với gia đình của mình. Bệnh viện chúng tôi luôn tạo điều kiện để những trường hợp như của Khánh Hồng có thể tìm lại gốc gác, người thân ruột thịt của mình, như suốt những năm qua vẫn vậy", BS Trần Ngọc Hải bảy tỏ.
Cũng theo Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ, thời điểm hiện tại cũng có không ít các trường hợp trẻ sơ sinh không thừa nhận được người thân để lại bệnh viện. Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ với cái tâm và tấm lòng của mình cũng đã hết lòng chăm sóc các con, bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ thực hiện các thủ tục để tìm lại ba mẹ cho các con hoặc làm hồ sơ để bàn giao cho cô nhi viện theo đúng quy định. Phía bệnh viện đang phải chi trả hoàn toàn những chi phí chăm sóc các bé trong thời gian lưu lại tại bệnh viện như tiền tã, tiền sữa…
Bình luận (0)