Theo đó mới đây, câu chuyện chị Emma Kiener (25 tuổi) cùng ba mẹ nuôi là cặp vợ chồng Pháp - Hà Lan về lại TP.HCM tìm mẹ đã được cư dân mạng Việt Nam chia sẻ ào ạt vì quá xúc động.
Chính nhờ sự lan tỏa đó, đã giúp cô ấy có được một kỳ tích không thể nào tin được.
"Hạnh ơi! Chị là chị của em đây!"
Một chiều ở TP.HCM, chúng tôi cùng Emma có mặt trong một quán cà phê trên đường Nguyễn Huệ (Q.1), chờ chị Trần Thị Thanh Loan (35 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) đến. Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, bất ngờ chỉ sau một ngày chị Emma đã nhận được tin nhắn của chị Loan, nói rằng có thể cả 2 là chị em của nhau.
Cuộc gặp của Emma và chị Loan tại một quán cà phê ở Q.1 |
CAO AN BIÊN |
Chị Loan nức nở khi kể về mẹ |
cao an biên |
“Chị ấy có gửi ảnh cùng một số thông tin về mẹ, như tên tuổi, ngày tháng năm sinh và câu chuyện đều trùng khớp. Chị ấy biết được câu chuyện của tôi, và hình ảnh chị cung cấp, về mẹ, về chị ấy, họ đều có những nét rất giống tôi. Tôi thực sự không thể tin được điều đó đang xảy ra”, cô gái Pháp kể lại.
Sau dòng tin nhắn đầu tiên, họ hẹn gặp nhau hôm nay để tâm sự thêm và xác nhận lại các thông tin cần thiết. Và vậy là cả tối qua, Emma đã không ngủ được. Chị vô cùng hồi hộp trước thời khắc này. Để thuận tiện cho buổi gặp gỡ, tôi hẹn chị Phan Thị Thanh Thảo (23 tuổi, ngụ Q.1) đến để hỗ trợ phiên dịch cho cả 2.
Đôi mắt to, sóng mũi cao... nhiều người nhận xét họ có nhiều điểm giống nhau |
cao an biên |
Emma nhận thấy cả 2 đều có đôi bàn tay giống nhau nên rất hy vọng họ là chị em |
cao an biên |
Lát sau, chị Loan cũng đã đến. Họ chào nhau bằng một cái ôm thân tình, bằng ánh mắt trìu mến nhìn nhau một hồi lâu, trước khi bắt đầu câu chuyện. Tôi có chút bất ngờ, vì thực sự cả 2 người đều có những nét giống nhau trên gương mặt, bàn tay.
“Hôm qua, tôi đi ăn tiệc và vô tình nhìn thấy bài viết của em ấy. Tôi không tin vào mắt mình, khi trong bài đăng là tên của mẹ mình, là địa chỉ nhà mình ngày xưa và quả thật bà ấy đã từng bỏ lại một người con ở Từ Dũ. Tôi đã òa khóc nức nở, và lập tức nhắn cho Hạnh”, chị Loan thuật lại.
Theo lời kể của chị, mọi thông tin đều trùng khớp, khiến chị đinh ninh 80% đây là em gái của mình. Nhìn Emma, chị nói em có nhiều nét giống mẹ, nhất là cái mũi. Người phụ nữ kể, tháng 1.1996, ba chị mất. Vì hoàn cảnh riêng, mẹ chị, bà Trương Thị Thanh để chị lại nhà nội rồi chuyển sang nơi khác sống. Đến tháng 10 cùng năm, bà có em bé với một người khác.
Bà Thanh mất năm 2015 |
gia đình cung cấp |
“Sau khi sinh con gái, vì khó khăn nên mẹ tôi đã để lại em ở bệnh viện. Sau đó, bà đi thêm bước nữa, cũng sống cách nhà nội không xa và làm nghề bán vé số để mưu sinh. Lâu lâu, bà hay mang món này món kia sang cho tôi”, chị nhớ lại.
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, cho đến tháng 11.2015, bà bệnh nặng rồi qua đời. Trước khi từ giã cõi đời, bà Thanh đã nói với chị rằng, chị thực sự có một đứa em cùng mẹ khác cha. Và điều nuối tiếc nhất cuộc đời của bà, chính là cho con đi và mãi mãi không bao giờ gặp lại con. Và đến giờ chị cũng không bao giờ biết được, ba ruột của em gái mình, là ai.
"Em không trách mẹ"
Nghe câu chuyện của bà Thanh, chị Emma hết sức xúc động. Cô gái Pháp nói rằng từ xưa đến nay, chưa bao giờ chị có suy nghĩ trách móc hay giận mẹ của mình, vì chị biết rằng phải có một lý do đặc biệt nào đó mẹ mới từ bỏ núm ruột mình sinh ra.
Bà Thanh (trái cùng) chụp cùng chị Loan |
gia đình cung cấp |
Ngược lại, chị thầm cảm ơn mẹ, vì nhờ có mẹ mà chị mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Công sinh thành của bà, mà ân tình mà chị không bao giờ trả hết.
“Tôi nghĩ rằng, mẹ tôi đã sống với niềm day dứt cho con suốt cả cuộc đời, tôi thương bà ấy hơn là giận. Thực sự chúng tôi nhìn cũng có nhiều điểm giống nhau, nhỉ?”, nhìn người phụ nữ kế bên, chị cười nói. Vậy là họ dành nhiều giờ đồng hồ để tâm sự về cuộc sống của nhau suốt nhiều năm qua, đối chiếu các thông tin có trong giấy tờ.
Cả 2 hy vọng họ thực sự là chị em |
nvcc |
Tâm sự với chị Loan, cô gái Pháp nói rằng, thật khó để sống mà không biết được cội nguồn của mình là ai. Và chị hy vọng có thể giải đáp thắc mắc đó, thắc mắc lớn nhất cuộc đời mình. Nếu mẹ chị Loan thực sự là mẹ ruột của Emma, có lẽ sẽ là một niềm nuối tiếc lớn khi chị không tìm gặp bà sớm hơn.
“Nếu gặp bà ấy sớm, và biết bà ấy là mẹ của mình, có lẽ bà sẽ không day dứt, và tôi cũng có thể giúp mẹ một chút gì đó. Bây giờ, chắc có lẽ chúng tôi sẽ sớm xét nghiệm ADN, và mong chờ một kết quả tốt đẹp”, cô gái rưng rưng.
Ba mẹ chị Emma hết sức hy vọng chị tìm được gia đình ruột thịt |
nvcc |
Chứng kiến cuộc trò chuyện của 2 người, chị Thảo phiên dịch không khỏi xúc động. Có lẽ, đây là một trong những câu chuyện đặc biệt nhất mà chị từng chứng kiến. Thảo hy vọng, phép màu sẽ thực sự xảy ra, và họ thực sự là chị em. Để, niềm day dứt trong 2 trái tim kia, sẽ không còn nữa.
Vỡ òa sau xét nghiệm ADN
Sau cuộc gặp gỡ với chị Loan, với sự hỗ trợ của nhiều người Việt Nam, cả 2 chị em đã cùng làm xét nghiệm ADN và hồi hộp chờ kết quả.
Anh Đỗ Hồng Phúc (27 tuổi, Q.Gò Vấp) chính là người đã hỗ trợ Emma tìm kiếm người thân trước khi cô về Việt Nam. Ngay thời điểm chị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất đến TP.HCM, anh đến đón và giúp đỡ chị suốt hành trình tìm kiếm. Những ngày ở đây, Emma được anh chở đi xét nghiệm ADN cũng như dẫn chị khám phá khắp TP.HCM.
Kết quả xét nghiệm ADN đã khẳng định Emma và chị Loan có quan hệ huyết thống |
nvcc |
Có kinh nghiệm trong hành trình nhiều năm hỗ trợ các trường hợp người nước ngoài tìm lại người thân, anh Phúc cho biết từ thời điểm chị Loan liên lạc với Emma, anh đã đánh giá rằng gần như chắc chắn họ chính là chị em, bởi mọi thông tin đều trùng khớp cũng như sự tương đồng về mặt ngoại hình.
Hơn 3 ngày sau, kết quả xét nghiệm đã có. Và cả 2 vỡ òa khi cầm kết quả trên tay, với lời khẳng định từ bác sĩ: “CÓ quan hệ huyết thống theo dòng mẹ”. Cũng giống với người em cùng mẹ khác cha, chị Loan hết sức xúc động không biết dùng từ nào để diễn tả được cảm xúc của mình. Song người chị hoàn toàn không bất ngờ với kết quả này.
“Ngày gặp em ở ngoài, tôi đã chắc chắn rằng đây chính là em gái mình. Đôi mắt ấy, cái mũi ấy, dáng người ấy của em như thể là được sao chép ra từ mẹ. ADN chỉ là để khẳng định 100%, để không còn ai phải nghi ngờ về mối quan hệ của 2 chị em mà thôi”, chị Loan kể.
Cả 2 vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ sau 25 năm |
cao an biên |
Chị Loan cho biết vài ngày tới, chị sẽ dẫn em gái đi thăm mộ của mẹ, thắp cho mẹ nén hương. Và sau đó, như lời hứa hẹn, rằng: “Nếu chúng ta thực sự là chị em, chị sẽ cùng em đi du lịch”, dự tính ngày 23.7 này, họ sẽ có một chuyến khám phá Đà Lạt. Với họ, chuyến đi này như một sự bù đắp cho ngần ấy năm xa cách.
Lần đầu về Việt Nam, có lẽ với Emma đây là chuyến đi không bao giờ quên trong đời. Chị vẫn sẽ ở lại đây tới hết tháng 8, để khám phá thêm nhiều tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Và hành trình những ngày tới sẽ ngập tràn niềm vui, tiếng cười, hạnh phúc đoàn viên. Chị cũng không quên cảm ơn những người Việt Nam tốt bụng, đã đồng hành và giúp đỡ chị theo một cách nào đó, để có được kỳ tích này.
Bình luận (0)