Nhìn mo cau rụng đầy vườn nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cau sau nhà rộng 7.000 m2, trồng hơn 10.000 cây, chị An cho biết năm 2018, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế tại TP.HCM, chị về quê trồng cau bán trái. Nhiều lần mo cau rụng, phải dọn dẹp rất tốn công. Bỏ hoài thấy tiếc, chị thử tìm tòi làm ra quạt, chén, dĩa để nhà sử dụng. Thấy sản phẩm có độ bền, lại thân thiện với môi trường, năm 2022 chị nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp từ mo cau.
Suốt 1 năm mày mò, chị An thử nghiệm rất nhiều lần với mong muốn làm ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm, những sản phẩm ban đầu không đẹp mắt lắm. Dần dần, nhờ kiên trì và mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, sản phẩm làm ra dần hoàn thiện, tinh xảo, mang tính nghệ thuật, đẹp mắt và được khách hàng đón nhận.
Hiện, cơ sở mang tên Cau Việt của vợ chồng chị An sản xuất được 15 dòng sản phẩm như: chén, dĩa, muỗng, quạt... chuẩn bị xuất bán ra thị trường. Tất cả sản phẩm làm từ 100% mo cau, dùng nhiệt độ cao để ép thành khuôn, không chứa phẩm màu, hóa chất nên an toàn cho người dùng và thân thiện với môi trường.
"Mo cau được vợ chồng tôi gom trong vườn, đem rửa sạch, phơi thật khô. Sau đó, cho vào máy ép nhiệt ép ở nhiệt độ 120 độ C tạo nên hình dạng sản phẩm cố định. Khi mo cau ra được sản phẩm theo khuôn, tôi chọn lọc lại (loại bỏ sản phẩm bị khuyết điểm - PV) rồi vệ sinh sạch sẽ, đóng gói, đưa đi tiêu thụ", chị An nói.
Sản phẩm thân thiện với môi trường
Chén, dĩa từ mo cau có màng bọc tự nhiên chống thấm nước nên có thể đựng được thức ăn dạng lỏng; còn khi đựng thức ăn khô thì có thể tái sử dụng nhiều lần. Chén, dĩa từ mo cau có hương thơm dịu nhẹ và màu sắc tự nhiên, tạo cảm giác ngon miệng và gần gũi với thiên nhiên hơn.
Theo chị An, chất liệu mo cau tự nhiên, không chứa bất kỳ hóa chất nào, chịu được nhiệt độ cao không nóng chảy, an toàn khi đựng thức ăn sôi, nóng và dùng được trong lò vi sóng. Sản phẩm phân hủy tự nhiên trong thời gian từ 6 - 7 tháng, tạo chất hữu cơ tốt cho đất, giảm bớt gánh nặng rác thải cho môi trường.
Theo chị An, nhờ điều kiện khí hậu ấm áp, cây cau trồng ở miền Nam thường ra trái quanh năm, lứa này nối tiếp lứa khác, giá bán cao gấp 2 - 3 lần so với các vùng miền khác. "Chủ yếu bà con đầu tư ở giai đoạn chọn giống và chăm sóc lúc mới trồng, khi cây cứng cáp chỉ cần tưới nước là cây đã sinh trưởng và cho thu hoạch đều đặn. Một cây cau có tuổi thọ rất lâu, trung bình khoảng 40 năm, cho nên trồng cau từ lâu đã là một mô hình kinh tế hiệu quả khi chi phí thấp, thu nhập cao và hầu như không có rủi ro", chị An cho biết.
Hiện tại, các dòng sản phẩm từ mo cau của cơ sở Cau Việt đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Bên cạnh sản xuất mo cau, chị An còn có được nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc bán trái và bán cây cau giống.
Bình luận (0)