Cô gái 'say' hương bồ kết

07/03/2019 07:54 GMT+7

Tốt nghiệp ngành hóa học và hiểu rằng cha ông từ ngàn đời đã phát hiện ra hương thơm cùng công dụng tuyệt vời của bồ kết, nhưng để khởi nghiệp thành công với mô hình này, cô gái Quảng Trị đã phải vượt qua rất nhiều rào cản.

Trần Thị Mỹ Dung (35 tuổi, ở TT.Gio Linh, H.Gio Linh, Quảng Trị), sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng khoa hóa học, chị có 4 năm làm việc tại Công ty cao su Quảng Trị.
Với vốn liếng chưa đầy chục triệu đồng, Dung đã quyết tâm... khởi nghiệp. Bắt đầu bằng việc mua một chiếc máy dập, vài chục ký bồ kết, vài chục mét vuông vải để cho ra sản phẩm đầu tay là bồ kết túi lọc (bồ kết được đâm nhỏ và bỏ vào trong túi vải như trà). Nhưng Dung chia sẻ, với sản phẩm này chị gần như thành công ngay lập tức, được đặt hàng dồn dập ngay từ những lời rao đầu tiên, đơn sơ trên mạng xã hội. “Giống như pha trà túi lọc, thì chỉ cần 5 phút ngâm với nước sôi, tất cả các bà mẹ đều có ngay một thau bồ kết mà chẳng phải nhọc công như trước nữa”, Dung nói.
Từ buổi đầu chập chững và thấy được tiềm năng của bồ kết, loại quả nổi tiếng về công dụng làm sạch đầu tóc đã được cha ông sử dụng từ trăm năm trước, năm 2017, Dung tiếp tục dấn thân. Dung đã vay mượn vốn để đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc... trị giá ngót nghét 400 triệu đồng, tổ chức sản xuất ngay trong vườn nhà của bố mẹ. Với các loại nồi chiết xuất, chưng cất, cô đặc... chị đã “bước tiếp” trong cuộc sáng tạo với bồ kết khi cho ra sản phẩm dầu gội đầu bồ kết đóng chai với thương hiệu Nhiên Thảo. Dung giải thích: “Bồ kết túi lọc và dầu gội bồ kết đóng chai, cùng là một loại nguyên liệu, gồm bồ kết, vỏ bưởi, hương nhu... nhưng một bên là dạng tinh, một bên là dạng thô mà thôi”.
Đến nay, mỗi tháng trung bình Dung bán ra thị trường 300 chai dầu gội, 1.000 túi lọc bồ kết, doanh thu đạt 100 triệu/tháng, lãi ròng chừng 20% sau khi lo cho 5 - 7 nhân công, lương từ 4 đến 8 triệu/tháng. Các sản phẩm từ bồ kết của Dung cũng đã đoạt giải ba sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị năm 2018 do Sở Công thương tỉnh này tổ chức và được mang đi tham dự nhiều triển lãm từ bắc chí nam.
Nói về cuộc dấn thân của mình, Dung cho rằng ngoài tư duy của người làm kinh doanh, muốn sinh lợi thì việc chị làm ở một góc nào đó là bảo tồn văn hóa dân tộc. Dung bảo: “Dù đây là loại quả được nhiều đời người Việt dùng để gội đầu, tắm rửa nhưng có không ít bạn trẻ bây giờ chẳng biết bồ kết là cái gì!”.
Cũng theo Dung, ngoài việc có cuộc sống thoải mái, sung túc hơn, việc kinh doanh đã cho chị những trải nghiệm tuyệt vời. Đó là việc gặp gỡ những người cùng chí hướng, chia sẻ những giá trị; được mở rộng quan hệ với các ngành chức năng; được đi đây đi đó, đến với những vùng đất mới hoặc đến gần hơn với người nông dân...
“Khởi nghiệp, ai cũng khó khăn, Dung cũng vậy. Tuy nhiên, khi mình có một ý tưởng tốt đẹp trong kinh doanh thì sẽ thuận lợi hơn nhiều. Chính vì thế mà ở trong logo của thương hiệu bồ kết Nhiên Thảo, tôi đã nhờ thiết kế vẽ ra 2 bàn tay ôm trọn cơ thể, bảo bọc người phụ nữ...”, Dung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.