Cô gái sống sót trong trận bão, lở tuyết ở Himalaya: ‘Nín khóc tiễn người đi không hề đơn giản’

29/04/2015 12:07 GMT+7

(TNO) Người dân Nepal vẫn kiên cường bất khuất như những người lính Gurkha anh dũng của họ. Trên tất cả, chắc chắn họ không chịu đầu hàng mẹ thiên nhiên một cách dễ dàng…

(TNO) Võ Thị Mỹ Linh (26 tuổi), người thoát chết trong trận bão và lở tuyết tại dãy núi Himalaya (Nepal) vào tháng 10.2014 đã có bài viết riêng cho Thanh Niên Online bày tỏ hoài niệm về con người, đất nước xinh đẹp nhưng lắm tai ương này.

Tác giả lúc ở Nepal 

Ít nhất 5.000 người chết, 6.500 người bị thương, hơn 100.000 người trở thành vô gia cư vì nhà cửa đổ nát. Đó là con số tôi nhận được tính đến thời điểm này (22 giờ 42 ngày 28.4). Những con số vẫn không ngừng tăng lên theo cấp số nhân khiến lòng tôi chộn rộn.
Hôm rồi đài BBC phỏng vấn hỏi rằng, ở một đất nước đầy thiên tai như thế, người từng có cuộc đời thứ hai như chị có muốn trở lại thêm lần nữa không. Tôi trả lời “có” một cách không do dự. Nhưng không phải quay lại để thỏa cảm giác chinh phục những ngọn núi cao sừng sững, không phải quay lại để ngắm những thắng cảnh đầy thơ mộng của hồ của thác, mà quay lại để gặp những người đã có không ít kỷ niệm với tôi. Tôi thấy họ nghèo, nhưng nỗ lực phấn đấu vươn lên. Tôi thấy họ chân thành và thánh thiện, điều mà chúng ta khó tìm thấy ở bất kỳ một đất nước phát triển nào.
Nhiều người dân Nepal đang loay hoay với đống đổ nát 
Tôi nhớ về cô bạn Deepa, người chỉ gặp tôi một lần trên đường nhưng dắt tôi về nhà mời tôi ăn bánh, pha trà thảo mộc cho tôi uống. Cô hẹn tôi đến nhà cô ngủ một đêm để học cách làm món bánh gia truyền của bố cô nhưng rồi tôi thất hứa. Tôi chẳng biết đến bây giờ số phận gia đình Deepa thế nào. Tôi nhớ về cô Chinu ở làng Aruchour - người đã chỉ tôi cách hái codo, dặn tôi phải đề phòng khi thấy một vài cậu trai làng lại gần tôi tán tỉnh. Tôi nhớ những bước chân mỗi sáng mắt nhắm mắt mở theo ông Ramakanta đi vắt sữa trâu, ra đồng làm ruộng. Tôi nhớ ngày cùng mọi người leo lên đỉnh núi linh thiêng nhất trong làng làm lễ cầu bình an, đoạn đường đi mất một ngày, họ chẳng có gì ăn nhưng đã nhường cho tôi chiếc bánh ngon nhất. Tôi nhớ bà Rama, ngày tiễn tôi quay về thủ đô cứ ra đứng ngoài sân tần ngần dõi theo, mắt rơm rớm. Tôi nhớ diễn viên hài nổi tiếng Santosh Panta cùng đại tá Madhab - những người đã coi tôi như một cô bạn nhỏ thực thụ - lái xe chở tôi đi nghêu ngao khắp nơi không phân biệt sang hèn, địa vị đẳng cấp. Tôi nhớ những người già ở làng Muktinath đã ôm chầm lấy tôi, xin phép được chụp hình cùng tôi vì tin tưởng tôi là cô gái biểu tượng của sự may mắn khi tôi sống sót trở về.
Những người đó ở đâu, giờ tôi không biết. Và hình như, ở một đất nước - nơi mà con người sống bằng niềm tin như Nepal - mẹ thiên nhiên hầu như không ưu ái cho họ.
Chị tôi bảo rằng, Nepal trước kia là một quả núi, người ta đập ra và khai phá để xây nên hình hài một đất nước như bây giờ. Tôi đã không nghi ngờ về điều đó khi chứng kiến cảnh các em học sinh vượt qua 3 quả đồi cao đằng đẵng, đi tham dự một cuộc thi tiếng Anh mà phần thưởng duy nhất là một cuốn từ điển đã cũ. Nhưng tôi tự hỏi rằng, những cố gắng ấy sẽ đi đến đâu, khi bây giờ tất cả đã vỡ nát và họ phải bắt tay xây dựng lại. 81 năm trôi qua kể từ trận động đất lịch sử năm 1934 khiến ít nhất 10.000 người dân Nepal thiệt mạng. Và bây giờ một trận động đất khác không thua kém gì đã làm thành quả trong suốt gần 81 năm gầy dựng của họ bị phá nát đi. Ai đủ kiên trì để sống tiếp? Ai đủ sức để tin rằng, cứ cố gắng đi rồi sẽ được đền đáp?
Cậu bạn Rhythm thở dài nói với tôi rằng, nhà cậu là gia đình hầu như ít thiệt hại nhất trong vùng. Nhưng cậu lo ngại làm thế nào để xây dựng lại mọi thứ từ đống đổ nát này. Babu - người bạn thân thiết vừa mấy hôm trước còn khoe với tôi: “Tao sắp cưới vợ Linh à, chừng nào có lịch cưới tao book vé máy bay cho mày qua Nepal ăn cưới miễn phí”. Tôi phì cười bảo: “Thôi dành tiền đó tiết kiệm mà mua xe hơi, chả phải ao ước của mày là có chiếc xe hơi như cái avatar mày để trên Facebook à”. Babu bảo: “Ừa, nhưng mà đám cưới không có mày buồn lắm”.
Bây giờ, anh bạn chắc không còn thời gian để nghĩ về đám cưới, về xe hơi nữa khi còn mãi loay hoay với đống đổ nát xung quanh. Anh bảo với tôi không có gì đâu, đừng lo, nhưng anh cũng sợ bởi cứ thế này chẳng biết còn khách du lịch nào dám đến Nepal không khi mà nguồn thu của đất nước chủ yếu là từ du lịch.
Phải nín khóc để tiễn biệt những người thân ra đi trong trận động đất là điều không hề đơn giản. Phải nằm lăn lóc ngoài đường, chập chờn trong giấc ngủ nhưng vẫn trấn an con trẻ vượt qua sợ hãi quả là điều khó khăn. Và phải bắt tay gầy dựng lại mọi thứ từ đống đổ nát sau thảm họa quả là điều khó khăn gấp vạn lần. Nhưng tôi tin, người dân Nepal vẫn kiên cường bất khuất như những người lính Gurkha anh dũng của họ. Và trên tất cả, chắc chắn họ không chịu đầu hàng mẹ thiên nhiên một cách dễ dàng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.