Khởi nghiệp từ chính nhu cầu của khách
Sắc sảo và cá tính là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với chị Hoàng Thị Hảo (dân tộc Tày, 31 tuổi), người từng chở khách đi du lịch bằng xe máy với cung đường gần 1.000 km xuyên suốt vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Khi ấy, chị là nữ sinh Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên.
Hảo kể, chị thích học tiếng Anh nên mỗi kỳ nghỉ hè lại về quê trải nghiệm bằng việc làm hướng dẫn viên dẫn khách Tây đi du lịch. Các tour chỉ sử dụng xe máy để đi trên các địa hình hiểm trở và khám phá vẻ đẹp tuyệt vời của cao nguyên đá. Vì vậy, có những tour chị không ngại “thân gái dặm trường” dẫn khách đi tới gần 1.000 km. Cũng chính những lần đi tour này đã giúp chị nhen nhóm ước mơ khởi nghiệp ngay tại quê hương. Năm 2011, tốt nghiệp ĐH, đi dạy được 4 tháng thì chị đi làm dự án vì cộng đồng của các tổ chức quốc tế tại VN.
|
Năm 2017, sau nhiều năm hoạt động xã hội, chị thấy có nhiều vấn đề cần phải được thay đổi trên quê hương nên quyết định khởi nghiệp. “Khi dẫn khách đi du lịch, ở địa phương tôi thấy nhiều người có nhu cầu ăn chay nhưng không tìm được quán ăn. Vì vậy tôi đã mở một quán ăn chay để phục vụ khách du lịch. Khi đến ăn, khách lại có nhu cầu được nghỉ ngơi nên tôi lại xin giấy phép thành lập homestay. Trong quá trình nấu ăn phục vụ du khách, thấy việc đi thu mua rau sạch quá vất vả, khó khăn nên tôi lại nghiên cứu và tìm hiểu về việc trồng rau sạch hữu cơ. Từ đó, tôi đã hình thành ý tưởng xây dựng mô hình trang trại hữu cơ khép kín và kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm có trách nhiệm (dự án GB - Green Blessing)”, chị Hảo chia sẻ.
Du lịch dưỡng tâm
|
Với mục tiêu mang năng lượng sạch, sức khỏe đến tất cả mọi người, dự án kết hợp 4 sản phẩm trong chuỗi tiêu chí về du lịch có trách nhiệm. Trong đó, cư dưỡng là dịch vụ lưu trú cho khách du lịch homestay với hệ thống nhà sàn trưng bày các sản phẩm nông nghiệp và văn hóa. Động dưỡng là hoạt động trải nghiệm thực tế cho khách du lịch trong trang trại. Khách sẽ được tham quan trang trại, tham gia làm nông dân. Sau khi trải nghiệm làm nông dân, du khách có một ngày khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa địa phương qua các hành trình đi bộ xuyên rừng, vào thăm các bản làng dân tộc, trải nghiệm cuộc sống thường ngày cùng với người dân địa phương. “Nét đặc trưng của dự án GB là khách được tĩnh dưỡng bằng việc tham gia các khóa thiền, yoga và rèn luyện sức khỏe do các hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm đảm trách. Bên cạnh đó, dự án còn mang đến sản phẩm thực dưỡng cho du khách. Ngoài việc thưởng thức các bữa ăn bằng thực phẩm hữu cơ của nông trại, du khách sẽ được tư vấn, chăm sóc, học hỏi và trao đổi về chế độ dinh dưỡng qua các khóa học nấu ăn của chúng tôi”, chị Hảo cho hay.
Mục tiêu 4 sạch
Chị Hảo cho biết dự án mong muốn tạo "văn hóa hữu cơ" cho bà con nông dân, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho môi trường. Đồng thời dự án còn tạo công ăn việc làm cho những thanh niên ở địa phương. “Những thanh niên tham gia dự án được dạy học tiếng Anh miễn phí, dạy kỹ năng làm du lịch để có nghề nghiệp ổn định. Nếu không làm cho dự án, họ cũng có thể sử dụng khả năng của mình làm những công việc khác để mưu sinh. Các gia đình tham gia dự án cũng bắt tay làm du lịch với việc hướng dẫn du khách trải nghiệm làm nông dân. Từ đó tăng sinh kế cho người dân”, chị Hảo nói.
Mục tiêu của dự án là đạt được 4 sạch: môi trường sạch (góp phần làm sạch môi trường thiên nhiên, phát triển cộng đồng bền vững); sản phẩm sạch (cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường); người nông dân “sạch” (nâng cao nhận thức của người nông dân để sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội); khách du lịch “sạch” (nâng cao ý thức cho khách khi đi du lịch, đóng góp vào các công việc xã hội tại địa phương).
Hiện dự án đang trong quá trình gọi vốn để triển khai thí điểm tại xã Phú Linh (H.Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), dự kiến năm đầu tiên (2019) sẽ đưa vào thí điểm hoạt động lưu trú, yoga, thiền và thực dưỡng. Đến năm thứ 2 thì cung cấp sản phẩm nông sản sạch ra thị trường. Sau 5 năm, mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Bình luận (0)