Cô gái thủ khoa khối A chia sẻ bí quyết học tập

15/08/2016 10:57 GMT+7

"Sau khi kết thúc kỳ thi, em tham khảo đáp án của Bộ GD-ĐT và ước tính điểm số khoảng 28-29. Nhưng em không thể ngờ mình có thể trở thành thủ khoa khối A kỳ thi THPT quốc gia năm nay", Trần Quỳnh Trang nói.

Học không gò ép bản thân
Sau khi biết mình trở thành thủ khoa kỳ thi năm nay, Quỳnh Trang (học sinh lớp 12A1, chuyên toán, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) bất ngờ vì nhận được sự quan tâm của mọi người. Vốn tính rụt rè, nhút nhát, cô bạn vừa vui vừa cảm thấy áp lực do cuộc sống ít nhiều có xáo trộn…
“Trong học tập, bản thân em luôn cố gắng phát huy hết khả năng, đạt được điểm số cao nhất có thể. Trong kỳ thi vừa rồi, em đã làm khá tốt điều đó dù vẫn mắc một vài sai sót. Với cá nhân em, cách học tốt nhất là nên tập trung khi học, không sao nhãng bởi các thứ khác. Học với tinh thần thoải mái, không gò ép bản thân. Đặt mục tiêu vừa sức để có quyết tâm hơn. Trước khi vào bàn học, mình nên có những hình dung sơ lược về những thứ mình sẽ học trong buổi học đó để biết được điểm yếu và lỗ hổng kiến thức của mình để tìm cách khắc phục”, Trang chia sẻ.
Quỳnh Trang chụp ảnh kỷ niệm với bạn cùng lớp.
Quỳnh Trang chụp ảnh kỷ niệm với bạn cùng lớp.
Từ những kỳ thi không tốt trước đó, Trang rút ra kinh nghiệm như: không được bỏ qua kiến thức cơ bản; để làm được bài khó thì cần tự nâng dần mức độ bài tập, không chăm chú lao vào các bài khó ngay từ đầu; phân bố thời gian hợp lý để không bị hoảng và đặc biệt là trước ngày thi không làm các bài tập khó mà cần ôn lại kiến thức cơ bản đã học.
“Trong các môn học, thế mạnh của em là ở môn hóa. Em cố gắng bám sát bài giảng của thầy cô ngay từ đầu. Đến lúc ôn thi, em không gặp quá nhiều khó khăn và có thể dành nhiều thời gian hơn cho môn toán và lý. Ngoài sách vở, em còn tìm kiếm thêm các nguồn tài liệu mà bản thân thấy phù hợp trên các trang mạng, hỏi thêm các tài liệu từ các bạn, cố gắng hiểu rõ bài học bằng cách tự tìm hiểu qua sách vở, mạng internet, nếu chưa được thì hỏi thầy cô và bạn bè”, tân thủ khoa bật mí.
Tránh bị áp lực từ người thân
Trong 3 năm học phổ thông, Quỳnh Trang học hỏi rất nhiều từ bạn bè cùng lớp. Ở lớp của Trang, các bạn học rất tốt và luôn có sự cầu tiến trong học tập, do vậy cô bạn tự nhắc mình phải chăm học để không bị bạn bè bỏ lại. Sau kỳ thi vừa rồi, Quỳnh Trang rút ra vài kinh nghiệm nhỏ để chia sẻ với các bạn khác: Trước tuần đi thi, các bạn vẫn ôn lại kiến thức và làm bài tập ở mức độ vừa phải để giữ vững phong độ và khiến mình cảm thấy tự tin, thoải mái. Kiến thức cơ bản trong đề thi bám sát sách giáo khoa nhưng theo cô bạn, để có thể vận dụng tốt hơn nên tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Để tránh các câu hỏi “bẫy” trong đề thi, bạn cần nắm vững kiến thức, luyện tập nhiều bài tập “bẫy” để tạo thói quen đọc đề cẩn thận.
“Khi vào phòng thi, em luôn tự nhủ bản thân hãy cố gắng hết khả năng của bản thân và tự tin vào kiến thức mình đã học tập được suốt thời gian dài. Trong quá trình làm bài, các bạn nên phân chia thời gian hợp lý để không bị hoảng. Với bản thân em, việc chia sẻ những khó khăn, mệt mỏi trước kỳ thi với người thân không quá cần thiết vì có thể mình bị áp lực bởi chính người thân. Mình nên tự giải tỏa tâm lý như dành thời gian ngủ một giấc thật ngon hay chơi đùa cùng các em nhỏ”, cô bạn cho biết.
Tập thể lớp 12A1, chuyên Toán nơi Trang theo học suốt 3 năm THPT.
Tập thể lớp 12A1, chuyên toán nơi Trang theo học suốt 3 năm THPT
Bộc bạch về việc trở thành thủ khoa năm nay, Quỳnh Trang rất biết ơn thầy cô và bạn bè đã giúp đỡ mình trong suốt quá trình học tập. Đặc biệt, Trang muốn gửi lời cảm ơn tới bố mẹ và những người thân trong gia đình đã luôn ở bên động viên, khích lệ khi cô bạn gặp thất bại và chán nản. Bố mẹ đã luôn tin tưởng và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để Trang học tập tốt hơn.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Quỳnh Trang đạt tổng điểm 3 môn khối A là 29,4, lần lượt gồm: toán 10, vật lý 9,8, hóa học 9,6. Ngoài ra, cô bạn còn chia sẻ không dùng facebook vì nó gây xao nhãng và mất thời gian. Hiện tại, Trang đã nộp hồ sơ vào ngành Dược, Trường ĐH Y Hà Nội và ngành Kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.