Cách đây 11 năm, sau khi đọc xong cuốn sách Think and Grow Rich (Napoleon Hill), Vân Anh đã xóa sổ hoàn toàn dự định trở thành một bác sĩ...
Phạm Thị Vân Anh, CEO của dự án khởi nghiệp Antoree |
Phạm Thị Vân Anh (sinh năm 1988, quê Bắc Giang) hiện đang là CEO của dự án khởi nghiệp Antoree - ứng dụng tìm gia sư tiếng Anh hoạt động tương tự cách định vị tìm taxi của Uber. 29 tuổi, Vân Anh tươi trẻ, năng động, nỗ lực hết mình cho đam mê.
Tuy nhiên, cũng giống như như bao cô gái trẻ đang tự mình khởi nghiệp, Vân Anh mất một khoảng thời gian dài đắn đo xem mình nên chọn thành công hay hạnh phúc
Từ bỏ mức lương 60 triệu đồng/tháng
Là con gái cả trong một gia đình không có truyền thống kinh doanh, nhưng Vân Anh lại rất thích tập tành buôn bán. “Năm học lớp 4, còn nhỏ lắm, tôi và mấy đứa bạn đã đi bán hoa. Hồi đó trẻ con không biết tính toán, mua hoa 1.000 đồng, chỉ bán 1.200 đồng và nghĩ thế là có lãi rồi. Bán hết hoa đẹp mới thấy còn bao nhiêu bông nát không bán nổi. Rồi bán được bao nhiêu tiền là tiêu hoang, đến phút cuối thấy mình chẳng có gì”, Vân Anh vui vẻ kể lại câu chuyện kinh doanh thời ấu thơ. May mắn, sau khi khởi nghiệp, Vân Anh chưa vấp phải lỗi sai nào “lớn” như vụ buôn hoa này.
Năm lớp 11, Vân Anh đoạt giải 3 học sinh giỏi quốc gia môn Hóa, nên gia đình kỳ vọng cô sẽ trở thành bác sĩ. Nhưng có một cuốn sách đã thay đổi gần như toàn bộ định hướng nghề nghiệp của Vân Anh. “Ngày 19.4.2005, mình mua cuốn Think and Grow Rich để tặng sinh nhật bạn thân, rồi tranh thủ đọc luôn. Cuốn sách đó nói về chuyện “tự kỷ ám thị”, tức là nếu bạn tin rằng bạn làm được thì bạn sẽ làm được, đồng thời, bạn nên làm những gì mà mình yêu thích. Vậy nên mình quyết định thi kinh tế chứ không học y như bố mẹ mình muốn nữa”.
Trong 4 năm học Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Vân Anh cũng rủ rê bạn bè, gia đình kinh doanh mỹ phẩm nhỏ lẻ, tuy nhiên, con đường khởi nghiệp dường như vẫn chưa được định hình rõ ràng trong suy nghĩ của cô. Ra trường, Vân Anh đi làm ở nhiều nơi. Thành tích ấn tượng của cô tính đến thời điểm đó có lẽ là vực dậy công ty công nghệ thông tin Cinnamon của Singapore, với vốn đầu tư từ Nhật Bản.
“Lúc ấy, Cinnamon gặp rất nhiều khó khắn, sản phẩm mới liên tục thất bại, nội bộ công ty cũng hơi bất ổn. Mình quyết định lập lại team mới, định hướng lại sản phẩm, còn sếp thì về Nhật xin thêm tiền đầu tư... Công ty được vực dậy. Mình được đề nghị mức lương 3.000 USD (60 triệu đồng) mỗi tháng, nhưng mình không ở lại. Trước khi nghỉ việc ở Cinnamon, mình có đi du lịch vài nước Đông Nam Á trong khoảng hơn một tháng. Và ý tưởng kinh doanh một cái gì đó về giáo dục đã manh nha xuất hiện trong đầu mình”.
3 bên cùng có lợi
Có rất nhiều yếu tố kết hợp tác động lên Vân Anh để cô nảy ra ý tưởng về một mô hình tìm gia sư theo kiểu Uber. Đầu tiên, trong dịp đi nghỉ ở Đông Nam Á, lần đầu tiên Vân Anh được trải nghiệm một dịch vụ taxi mà theo cô là rẻ, tiện lợi, nhiều lựa chọn, chất lượng được đảm bảo. Và, Vân Anh đang muốn triển khai một dự án kinh doanh giáo dục tiếng Anh? Cô bỗng nghĩ rằng nếu mình có thể tạo ra một cái mô hình gia sư giúp mọi người có thể kết nối với nhau, còn mình đứng ở giữa để đảm bảo mọi việc thì quả thực rất tuyệt vời.
Thời điểm đó, Vân Anh cũng đang muốn học về lập trình web. Cô vất vả tìm kiếm lớp học online, học một thầy một trò, mà chỉ ra những trang web nhận gia sư của Mỹ với giá 60-100 USD/giờ. “Tôi nghĩ có rất nhiều sinh viên công nghệ thông tin trong nước có thể dạy tôi làm ra một website với học phí chỉ khoảng 3-5 triệu đồng, nhưng tôi không thể tìm được họ. Nếu vào diễn đàn công nghệ tìm thầy thì mình phải chuyển tiền trước mà chẳng có thể đảm bảo”, Vân Anh nói.
Chính từ những vấn đề Vân Anh gặp phải đã giúp cô định hình rõ ràng hơn về một mô hình gia sư hoàn toàn mới: “Khi tôi sang Phillipines, tôi thấy rất nhiều người Hàn Quốc, Nhật Bản… tới đất nước này để học tiếng Anh, chi phí rất rẻ, nhưng điều này ở Việt Nam lại không phổ biến. Mô hình gia sư của tôi sẽ giúp cho những người có nhu cầu học tiếng Anh tìm được thầy chất lượng, và những bạn sinh viên nước ngoài có thêm nguồn thu nhập. Vậy là Antoree của Vân An ra đời, hoạt động giống Uber, giúp 3 bên đều có lợi".
Vân Anh (ngoài cùng bên phải) làm việc với các đồng nghiệp ở Antoree
|
Hiện, Antoree đã hoạt động được 2 năm, với hơn 1.000 gia sư từ nhiều nước. Với vai trò người quản lý Google Business Group Hà Nội - một cộng đồng được thành lập bởi Google khu vực Châu Á, Vân Anh không khó để tuyển thêm gia sư cho dự án của mình: “Quan trọng là mình phải có lượng học sinh để bảo đảm các bạn gia sư tham gia vào mô hình đều có việc làm, như vậy Antoree mới phát triển thêm được”.
Một khóa học ở Antoree thường kéo dài khoảng 4 tháng, mức học phí thì tùy vào gia sư được lựa chọn, nếu là người Philippines thì khoảng 6-8 triệu đồng, còn gia sư Anh ngữ thì hơn 10 triệu. Vân Anh từ chối tiết lộ cô nhận lại bao nhiêu phần trăm từ số tiền học phí đó, cô chỉ nói: “Antoree đề cao chất lượng, các lớp đều là một thầy kèm một trò, nên chi phí của bọn mình hơi cao. Thêm nữa, nếu như tham gia vào Uber chỉ cần lao động phổ thông thì với yêu cầu chất lượng tốt, Antoree lại phải tuyển lựa và đào tạo cho đội ngũ gia sư rất kỹ càng”.
Vân Anh chia sẻ điều khó khăn nhất khi cô khởi nghiệp không phải là vốn, là công nghệ… mà lại là kinh nghiệm làm người đứng đầu. “Với những cộng sự đầu tiên làm Antoree cùng mình, cho tới bây giờ mình vẫn cảm thấy áy náy vì giấc mơ khởi nghiệp của mọi người không thực hiện được do mình làm không tốt việc kết nối mọi người”.
Theo Vân Anh, một cô gái khi tự tạo ra một dự án khởi án nghiệp như cô sẽ gặp bất lợi hơn phái mạnh bởi cái bản năng sống thiên về cảm xúc. “Cách nhìn của đàn ông có thể loại bỏ yếu tố cảm xúc, nhưng phụ nữ lại hay để ý quá nhiều chuyện nhỏ nhặt, không cần thiết. Đổi lại chỉ số cảm xúc EI của phụ nữ lại cao hơn, họ có thể nhạy cảm hơn khi quan sát thái độ của những người bên cạnh, để cân bằng lại”.
Mặc dù trong suy nghĩ luôn đầy tràn những ý tưởng phát triển sự nghiệp nhưng Vân Anh cũng thừa nhận rằng cô mất một khoảng thời gian dài mơ hồ rằng nếu cứ tham vọng kinh doanh thì sau này cô có thể không hạnh phúc. “Bố mẹ, bạn bè mình nói nhiều lắm, rằng nếu cứ làm như thế này thì không ai lấy, mà nếu lấy thì chồng mình cũng không thích đâu. Một giai đoạn dài mình luôn nghĩ nên theo đuổi công việc mình thích hay tìm một gia đình yên ấm”.
Nhưng sau khi có cơ hội gặp nhiều phụ nữ thành công và theo cô gia đình họ cũng rất hạnh phúc, Vân Anh nhận ra rằng mình cần phải dũng cảm vượt qua những cản trở. “Quan trọng là suy nghĩ của mình, phải tin rằng mình sẽ có một sự nghiệp thành công và một gia đình hạnh phúc. Rất nhiều người đã làm được rồi. Tin và nỗ lực, chắc chắn mình sẽ làm được”, cô gái trẻ tài năng, rất cá tính này bày tỏ.
Bình luận (0)