Luôn trùm khăn, không dám nhìn ai
Hình ảnh trước và sau phẫu thuật của chị Pi Năng Thị Xinh (31 tuổi, quê ở H.Bác Ái, Ninh Thuận) khiến nhiều người nhẹ lòng, gửi lời động viên đến chị. Cư dân mạng cũng cảm kích sự nỗ lực của các bác sĩ (BS), các nhà hảo tâm.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Xinh cho biết năm học lớp 5, chị phát hiện có một cục u ở tai. Cục u cứ lớn dần theo thời gian. Ba chị đưa lên Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Ninh Thuận, nhưng không mổ được phải chuyển vào TP.HCM. Vì gia đình không có điều kiện nên chị xin về nhà, tiếp tục cuộc sống với cục u đó. Từ đó việc sinh hoạt của chị khó khăn, đi đâu cũng phải nhờ bố mẹ cõng. Những cơn đau nhiều lúc khiến chị phải nằm liệt giường. Chị vẫn cố gắng học hết lớp 9, lên nương làm rẫy phụ bố mẹ.
"Mình đi học bị bạn bè bàn ra tán vào, chê cười. Mình vẫn nhớ có người còn nói "người ta mới bị bệnh thì chết sớm còn nó bị lâu như vậy mà không chết". Nghe những lời nói đó mình đau lòng nhưng vẫn không quan tâm", cô gái kể.
Ba mẹ có 2 người con là chị và em trai. Những lúc bị cơn đau giày vò, chị đã nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời. Tuy nhiên, sợ bố mẹ không có ai chăm sóc, chị lấy lại tinh thần, vượt qua những suy nghĩ tiêu cực. Dù vậy nỗi mặc cảm khiến chị không dám chụp hình, không dám gặp người lạ và luôn trùm đầu kín mít. Thương con gái kém may mắn, ba mẹ chị nuôi bò, dành dụm tiền đưa con đi phẫu thuật nhưng không đủ và có thể nguy hiểm đến tính mạng nên trở về.
Xin vào bệnh viện để đền đáp
Cuối năm 2022, chủ nhân kênh Gà Lang Thang đến nhà xin phép quay và đăng tải câu chuyện của chị Xinh, một nhà hảo tâm đã đưa chị xuống BV Ung bướu TP.HCM để khám. Cư dân mạng chung tay, một BS ở BV đa khoa Bình Dương gọi đến khám. Mọi chi phí ăn uống và tiền viện phí được nhà hảo tâm hỗ trợ. "BS có nói trước cuộc phẫu thuật có thể gặp rủi ro nhưng lúc đó mình không sợ nữa. Mình nghĩ đã đến bước này dù chết cũng phải mổ nếu may mắn sẽ được sống sót. Và phép màu đã xảy ra", chị nhớ lại.
Cuộc sống của chị Xinh thay đổi hoàn toàn. Chị thấy đầu nhẹ hơn, làm việc gì cũng dễ và yêu đời hơn. Nhìn lại hành trình ám ảnh, chị thầm cảm ơn BS, những người tốt bụng, gia đình và nỗ lực của chính bản thân để cuộc sống trở lại bình thường. Cô gái người dân tộc Raglai muốn quay lại BV xin việc để đền đáp công ơn của mọi người.
"Nay em khỏi bệnh và khỏe mạnh vào lại Bình Dương. Em xin BV nhận vào làm hộ lý hay bất kỳ công việc gì phù hợp để đền đáp một phần ơn giúp đỡ và tái sinh của BV…", cô gái viết trong thư kèm hồ sơ xin việc. Ông Purpu Tiếng (56 tuổi, ba chị Xinh) quá vui và không ngờ nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. "Phẫu thuật thành công, tôi mừng như có phép lạ. Tôi khóc rơi nước mắt vì con gái được cắt bỏ khối u", người ba chia sẻ.
BS CK2 Võ Thái Trung, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - BV đa khoa tỉnh Bình Dương, cho biết ông đã có sự hội chẩn với các đồng nghiệp ở BV Đại học Y Hà Nội và họ đánh giá trường hợp này rất phức tạp, tỷ lệ tử vong trên bàn mổ cao. Được sự đồng ý của gia đình, ê kíp đã thực hiện cuộc phẫu thuật kéo dài 15 tiếng để bóc tách khối u, tạo hình sọ não, vá lại màng não, tạo hình tai, khuôn mặt…
"Cuộc phẫu thuật thành công, gia đình rất mừng. Xinh rất thật, rất chân thành. Sau khi phẫu thuật xong em muốn làm bất kỳ công việc gì miễn có thể gắn bó và coi đó là lời cảm ơn đến BV. Tôi đã gặp lại và đọc lá thư xin việc của em, đây là cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa. Tôi báo cáo với ban giám đốc về mong muốn này và ai cũng ủng hộ, nhận em vào làm hộ lý", BS Trung nói và cho biết hiện chị Xinh làm hộ lý ở Khoa Hồi sức tích cực và chống độc của BV.
Bình luận (0)