Với vóc dáng thon gầy, khuôn mặt vẫn như trẻ thơ, Đặng Thị Hương (tên tiếng Anh - Huong Dang), nhà sáng lập HopeBox (trụ sở Hà Nội), có rất nhiều trăn trở. Cô trăn trở về công việc kinh doanh của HopeBox, doanh nghiệp xã hội được cô điều hành từ xa trong lúc theo đuổi khóa học lãnh đạo toàn cầu thuộc Chương trình Yale World Fellows tại Đại học Yale (TP.New Haven, bang Connecticut, Mỹ). Cô trăn trở vì không rõ liệu có bao nhiêu phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới, từng biết về chương trình của HopeBox nhằm hỗ trợ về khả năng kinh tế và nâng cao năng lực cho họ hay không. Cô trăn trở vì đâu đó vẫn còn nhiều nạn nhân của tình trạng bạo hành gia đình chưa đủ can đảm vượt qua rào cản và định kiến của gia đình, xã hội để thoát khỏi môi trường bạo lực và thay đổi cuộc đời.
Đau đáu vì nạn nhân bị bạo lực giới
Cô gái gốc Vĩnh Phúc đã ôm ấp ý tưởng triển khai một dự án xã hội giúp những người phụ nữ bị bạo hành gia đình từ khi còn là sinh viên của Đại học Công nghệ Swinburne (TP. Melbourne, Úc).
Huong Dang (thứ hai từ trái sang) ở Đại học Yale |
NVCC |
“Trong lúc đi học, tôi từng giúp một nạn nhân bị chồng đánh đập nặng nề ở VN. Khi hỗ trợ cô ấy, tôi biết thêm những rào cản mà những người phụ nữ bị bạo lực gia đình phải đối mặt”, Hương nhớ lại. Thế nhưng, lúc đó ai cũng bảo cô rằng rất khó có thể can thiệp vào vấn đề mà nhiều người vẫn nghĩ là chuyện riêng tư của mỗi gia đình.
Sau khi tốt nghiệp, Hương làm việc tại Úc. Tuy nhiên, sau đó cô quyết định quay về VN. Năm 2017, cô tham gia Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt - Úc tại Sydney (Úc) và đã trình bày trước diễn đàn ý tưởng mà cô luôn ôm ấp nhưng vẫn chưa có cơ hội thực hiện. Cô cho rằng cách duy nhất có thể giúp các nạn nhân bị bạo hành là tạo công ăn việc làm để họ có thể độc lập về tài chính và từ đó mạnh dạn bước ra khỏi chiếc lồng giam cầm cuộc đời họ. Vào dịp 8.3.2018, Hương và những người cùng chung chí hướng quyết định bắt đầu gây quỹ cho dự án HopeBox (Chiếc hộp hy vọng).
Mô hình hoạt động ban đầu là bán cơm hộp đặt hàng trực tuyến. Hương mở khóa dạy nấu ăn cho các nạn nhân của bạo lực giới để họ cùng tham gia việc bán cơm hộp của dự án. Sau 5 tháng, HopeBox bán được những hộp cơm đầu tiên. Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để họ nhận ra những thách thức khó giải quyết. Những hộp cơm áp dụng tiêu chí không thải rác nhựa ra môi trường lại quá đắt so với mặt bằng chung của thị trường. Bên cạnh đó, Hương vẫn phải làm việc toàn thời gian để có vốn đầu tư cho dự án. Sau vài tháng, cô quyết định chuyển sang mô hình làm bánh kẹo, mở quán cafe và đăng ký hoạt động dưới dạng doanh nghiệp xã hội. Thế nhưng, dịch Covid-19 ập đến. Thời gian phong tỏa kéo dài đã tước đi những hy vọng vừa le lói của HopeBox.
Các nhân viên của HopeBox |
NVCC |
Bài học và nỗ lực vực dậy
Nhìn lại thời gian khó khăn, Hương rút tỉa được bài học lớn nhất: “Đối với chúng tôi, khó khăn lớn nhất có lẽ là nhóm người chúng tôi muốn giúp đỡ, có quá nhiều rào cản và định kiến của gia đình, xã hội khiến họ chưa thể và chưa dám bước ra khỏi môi trường bạo lực và thay đổi cuộc đời”.
Một thách thức khác đó là phần lớn các nạn nhân tìm đến HopeBox đều trải qua những sang chấn tâm lý và tổn thương nặng. Vì thế, HopeBox quyết định dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn cho khâu đào tạo kỹ năng và bên cạnh đó là xoa dịu những tổn thương của họ.
Theo Hương, hiện nay VN vẫn chưa có các chương trình hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực; cũng như thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp; giữa những người thực hiện và thi hành luật. Đó là lý do Hương cho rằng nỗ lực hỗ trợ các nạn nhân bị bạo hành giới vẫn chưa phát huy được tối đa nguồn lực và chưa đạt kết quả cao.
“Dịch Covid-19 cũng là dịp chúng tôi một lần nữa hoạch định chiến lược ngắn hạn và dài hạn, cải tiến các sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Chúng tôi ngừng mô hình cơm trưa văn phòng, chuyển sang sản xuất, làm và bán hộp quà cho doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Uniqlo…”, Hương nói.
Hương thừa nhận mình không phải là người thích hoặc thậm chí giỏi kinh doanh. Tuy nhiên, động lực giúp Hương tiếp tục nỗ lực mỗi ngày chính là những người phụ nữ đang nương náu tại HopeBox. “Tôi tin rằng với mỗi bước đi nhỏ, các em và các chị sẽ có một tương lai tốt hơn cho bản thân và con cái. Và dù chỉ giúp được một người phụ nữ thoát khỏi bạo lực và có giấc ngủ ngon hơn, tôi cũng cảm thấy đó là điều nên làm”, Hương chia sẻ.
Hương vẫn còn nhiều trăn trở, nhưng điều mà cô chắc chắn là mình sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Những cơ hội tại HopeBox
Hiện HopeBox có chương trình đào tạo toàn diện miễn phí, bao gồm 6 tháng học nghề và thực tập nghề làm bánh, các kỹ năng sống, các buổi yoga chữa lành. Chương trình dành cho các chị em phụ nữ ở độ tuổi 18 - 40, đã hoặc đang trải qua bạo lực giới, các bạn nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và nguy cơ bạo lực cao. Bên cạnh đó, HopeBox tổ chức các hội thảo chia sẻ về bạo lực giới nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vấn đề này. HopeBox cũng triển khai các sự kiện gây quỹ, vừa giúp có thêm nguồn kinh phí và cũng thông qua chương trình, có thể lan tỏa thêm nhiều thông tin về vấn đề bạo lực giới.
Bình luận (0)