Cô gái vượt lên trên tủi hờn và mặc cảm

06/11/2022 06:47 GMT+7

Chiến tranh dù đã lùi xa mấy mươi năm nhưng bóng ma hậu chiến mang tên “ da cam ” vẫn còn đeo đẳng và gieo rắc nỗi đau cho nhiều thân phận.

Sinh ra với cơ thể dị tật: hai tay co quắp, đôi chân còng queo không thể tự mình bước đi, Phạm Thị Nhí (21 tuổi, quê Vị Thủy, Hậu Giang) từng nhiều lần khóc nghẹn vì ám ảnh sự kỳ thị của xóm giềng, vì những cơn đau hành hạ mỗi đêm, vì nỗi lo sợ, thậm chí tuyệt vọng về tương lai phía trước.

Thế nhưng vượt lên trên tủi hờn và mặc cảm, những đọa đày về thể xác lẫn tinh thần; tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, sự động viên tiếp sức của người thân, bạn bè, thầy cô, cùng niềm tin yêu vào cuộc sống đã giúp Nhí có thêm nhiều động lực và can đảm để hướng đến tương lai, vượt qua số phận để sống một cuộc đời có ích.

Phạm Thị Nhí và mẹ dự lễ tốt nghiệp của anh trai

Hành trình nước mắt

Sống ở nông thôn với gia cảnh khó khăn, quanh năm làm mướn, mẹ của Nhí - cô Thị Ly (54 tuổi) không khám tầm soát khi mang thai. Nhà có 4 người con, 3 đứa đầu đều khỏe mạnh bình thường, mỗi Nhí không may nhiễm chất độc da cam, mọi sinh hoạt của em đều phải nhờ vào sự giúp đỡ.

Năm Nhí đến tuổi đến lớp, mẹ bồng em đến trường xin nhập học. Nhìn cơ thể khuyết tật, thấp bé nhẹ cân của Nhí, nhà trường từ chối vì sợ em không theo kịp bạn bè. Thêm một năm nữa với sự cố gắng thuyết phục từ gia đình, Nhí mới được nhận vào lớp một nhưng phải qua thời gian thử thách.

Dù rất khổ sở khi phải chịu sự phân biệt, xa lánh từ bạn bè nhưng với bản tính ham học, Nhí đã chứng minh khả năng học tập của em không hề bị ảnh hưởng bởi dị tật tứ chi. Em học giỏi và viết chữ rất đẹp, từng đạt giải nhì trong kỳ thi “Văn hay chữ tốt” cấp huyện.

Cô gái nghị lực Phạm Thị Nhí

Mắc chứng xương thủy tinh, một lần trên đường đi học về, do trời mưa đường trơn trượt, xe đạp hai anh em bị ngã, làm Nhí gãy tay phải. Sau một tháng điều trị, em bỏ lỡ kỳ thi viết chữ đẹp vòng tỉnh, phải tập viết lại từ đầu. Cũng từ đây, những con số bắt đầu xa lạ đối với em, tất cả trở về vạch xuất phát như hồi em bước vào lớp một.

Như leo dốc rồi trượt dốc, có nản lòng nhưng cuối cùng em vẫn chọn không chùn bước. Nhiều lần được gia đình dốc lòng chạy chữa, “dù chỉ có 1% cơ hội mẹ cũng quyết tìm lại đôi chân cho con” như chia sẻ của cô Thị Ly, nhưng rồi bao lần phải thất vọng về không. Năm học lớp 12, khi đang ở giai đoạn ôn thi THPT và đại học, Nhí một lần nữa gặp tai nạn chấn thương phần mềm ở tay trái và chân trái, phải tạm nghỉ.

Sau những biến cố, tai nạn, trí nhớ của Nhí có phần giảm sút do sử dụng quá nhiều loại thuốc để điều trị. Việc nhớ các bài giảng và con số ngày một khó khăn hơn. Nhí bảo: “Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với em, có đôi lúc em muốn buông bỏ ước mơ vì nghĩ rằng mình không có duyên với con chữ”.

Nhưng vượt lên tất cả, thật khó tin khi hiện giờ Nhí đang là sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Cần Thơ. Nụ cười vẫn nở trên môi cô gái nhỏ nhắn nhưng lúc nào cũng tràn đầy niềm tin và hy vọng. Nhí bảo: “Em chọn ngành Hệ thống thông tin vì có thể làm việc trên máy tính mà không phải đi lại, rất phù hợp với điều kiện sức khỏe của em”.

Nhí và mẹ (bìa trái)

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Cùng con đến trường

Nhí tâm sự mình sẽ không bao giờ đi được đến ngày hôm nay nếu như không có tình yêu thương và sự hỗ trợ hết lòng từ gia đình, bạn bè, thầy cô.

Đó là người anh trai Phạm Văn Lực, người đã đưa đón, là đôi chân của Nhí trong suốt những năm cấp một, cấp hai. Khi Nhí vào cấp ba cũng là lúc Lực vào đại học phải đi học xa, đến lượt mẹ Nhí thay con trai bồng em đến lớp.

Khi cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Em nỗ lực để mọi người rồi sẽ có cái nhìn khác về em, rằng em cũng có thể học tập và làm việc như bao người bình thường khác.

Phạm Thị Nhí

Không biết đi xe, cô Thị Ly ngày 2 lượt chèo ghe đưa con đến trường. Ghe cập bờ thì từ bến ẵm con vào lớp. Những ngày Nhí học 2 buổi, cô nấu cơm mang theo. Tuy gian nan, vất vả nhưng hai mẹ con chưa từng vắng buổi học nào.

Ngày Nhí đậu cao đẳng, cô Ly cũng khăn gói lên Cần Thơ “nhập học” theo con. Đều đặn mỗi ngày mấy lượt, người mẹ miền Tây bồng con lên lớp, từ giảng đường này sang giảng đường khác rồi quanh quẩn gần đó để chờ hết giờ lại bồng con về.

“Bồng con đi học một đoạn để con có kiến thức và tự lập sẽ tốt hơn là để con ở nhà rồi mình phải bồng con suốt đời”, cô Ly chia sẻ.

Đó còn là người cha thầm lặng yêu con Phạm Văn Ải

(53 tuổi). Dù không tham gia vào việc đưa đón nhưng đã cố gắng làm việc cật lực để chu cấp lo cho Nhí được học hành đến nơi đến chốn.

Là thầy cô nhà trường đã khéo léo xếp lớp học của Nhí ở tầng trệt để việc đi lại của hai mẹ con tiện lợi hơn; kết nối nhà hảo tâm tặng Nhí xe lăn điện; cho xây lối đi riêng giúp xe lăn dẫn từ lớp vào phòng; tạo điều kiện cho mẹ con Nhí được vào ở ký túc xá để tiết kiệm chi phí...

Chính tình thương của mọi người đã tạo thành trợ lực to lớn giúp con đường đến trường của Nhí bớt chông chênh.

Vươn lên để trả ơn đời, báo hiếu cha mẹ

Năm 2020, Nhí trở thành một trong 5 sinh viên được biểu dương “Sinh viên Cần Thơ - Những câu chuyện đẹp” do Hội Sinh viên VN TP.Cần Thơ tổ chức. Nhưng nguồn động lực lớn nhất giúp em vượt qua qua hết mọi bế tắc, gian truân không phải đến từ những phần thưởng.

Mà đó là những giọt mồ hôi của cha và sự lo âu trong đôi mắt của mẹ, khiến Nhí nhận ra mình không thể nào sống ích kỷ, phải cố gắng vượt qua mọi gian nan để thực hiện mơ ước của mình. Nên khi hỏi Nhí có mơ về tình yêu hay một gia đình nhỏ mai này hay không, Nhí chỉ cười buồn: “Em chỉ mong có công việc ổn định để sau này có thể báo hiếu được phần nào cho cha mẹ”.

Ước mơ của Nhí là trở thành một lập trình viên giỏi, tìm được việc làm ổn định sau khi ra trường để có thể tự lo cho bản thân, không là gánh nặng của ai.

“Khi cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Em nỗ lực để mọi người rồi sẽ có cái nhìn khác về em, rằng em cũng có thể học tập và làm việc như bao người bình thường khác”, Nhí tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.