Cụ thể, đề thi đã tổng hợp các thông tin: "Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 do T.Ư Đoàn tổ chức đã diễn ra vào thời điểm hết sức đặc biệt, kỷ niệm 49 năm Thống nhất đất nước và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Với chủ đề "Tôi yêu Tổ quốc tôi", chuyến hải trình vượt sóng gió biển khơi đến với quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã làm rung lên nhịp đập của những trái tim chan chứa yêu thương.
Đó là niềm xúc động của Y Việt Sa, người con vùng đất Tây nguyên, khi trực tiếp chứng kiến cuộc sống của những người lính đảo:
Những dòng này tôi viết ở Trường Sa
Giữa những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ
Mang trong mình một tình yêu đẹp đẽ
Để vững vàng vượt sóng giữ bình yên
Là nỗi xốn xang khó tả của một người mẹ lần đầu đến đảo Sinh Tồn thăm con. Dù còn bao lo lắng khi biết con, một người lính trẻ phải đối mặt với những gian nan, thử thách nhưng người mẹ ấy vẫn tự hào và tin tưởng con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Là niềm cảm phục của những người con đất liền trước câu chuyện người thầy gieo chữ trên đảo Sinh Tồn. Vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, người thầy ấy đã thắp lên ngọn lửa tri thức cho các em nhỏ nơi đảo xa.
Là sự rung động trước những vườn rau xanh mướt giữa khô cằn sỏi đá và những cây bàng vuông nở hoa trong nắng gió. Mỗi đóa hoa khoe sắc, mỗi luống rau xanh tươi là thành quả của biết bao giọt mồ hôi người lính đảo.
Hành trình đến với Trường Sa – vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc – đã để lại nhiều cảm xúc cho tất cả thành viên trong đoàn. Những trải nghiệm trong chuyến đi ấy đã vun đắp khát vọng cống hiến cho những người trẻ để từ đó họ hiểu sâu hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước.
(Tổng hợp thông tin từ các bài viết về Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" trên Báo Thanh Niên từ 04/05/2024 đến 13/05/2024)".
Khi biết được bài thơ và tình yêu của mình dành cho Tổ quốc, cho biển, đảo quê hương sau chuyến hải trình đến với Trường Sa được Báo Thanh Niên chuyển tải và nay vào đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM môn ngữ văn, chị Y Việt Sa, Phó bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum, không giấu được cảm xúc, bày tỏ: "Mình rất bất ngờ vì không thể nghĩ bài thơ lại có sự lan tỏa như thế".
"Thật sự xúc động, rất xúc động khi đọc được đề thi, mình lại thấy nhớ Trường Sa, nhớ chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Chính các bạn đã cho mình cảm xúc để viết những dòng thơ đó. Thật sự sau chuyến hải trình, mình chỉ nghĩ một điều là cố gắng kể thật nhiều câu chuyện được trải nghiệm để mọi người yêu biển đảo hơn, sẽ có thêm nhiều tình yêu, nhiều nguồn lực đến với Trường Sa chứ không nghĩ được lan tỏa nhiều như vậy. Bởi vì mình cũng chỉ như một hạt cát bé nhỏ, một cánh chim giữa trời bao la, cố gắng góp sức cùng những chiến sĩ Trường Sa lan tỏa tình yêu này. Nhưng hôm nay, khi những việc làm dù nhỏ bé của mình nhưng đã được lan tỏa để từ đó nhân rộng hơn tình yêu của thế hệ trẻ với biển, đảo Tổ quốc", chị Y Việt Sa hạnh phúc chia sẻ.
Đọc đề thi môn ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM, chị Y Việt Sa cảm thấy rất ý nghĩa vì qua đề thi không chỉ tình yêu biển, đảo được khơi lên mà còn khơi gợi sự tự hào dân tộc, tình cảm gia đình… những tình cảm rất thiêng liêng mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng có.
"Đề thi ngữ văn lớp 10 của TP.HCM rất nhân văn, khơi dậy được nhiều cảm xúc đẹp ở thế hệ trẻ", chị Y Việt Sa nhận xét đồng thời gửi lời cảm ơn: "Mình muốn gửi lời cảm ơn đến T.Ư Đoàn vì đã tổ chức một chuyến đi ý nghĩa, cảm ơn Báo Thanh Niên đã đăng bài thơ lên báo, cảm ơn Sở GD-ĐT TP.HCM đã lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biển, đảo đến các em học sinh".
Trước đó, với những cảm xúc và tình yêu Tổ quốc mãnh liệt hơn bao giờ hết sau chuyến hải trình đến với Trường Sa, chị Y Việt Sa đã sáng tác một bài thơ và được Báo Thanh Niên đăng tải. Và đây là bài thơ đã được trích đưa vào đề thi môn ngữ văn vào lớp 10 sáng nay.
Bài thơ có nội dung: "Những dòng này tôi viết ở Trường Sa/Giữa nắng gió và mặn mòi biển cả/Giữa những cảm xúc nghẹn ngào không thể tả/Giữa dập dìu những ngọn sóng khơi xa/Những dòng này tôi viết ở Trường Sa/Giữa những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ/Mang trong mình một tình yêu đẹp đẽ/Để vững vàng vượt sóng giữ bình yên/Trên chuyến tàu mang khát vọng thanh niên/Gửi về đại hội triệu niềm tin xanh ngắt/Gửi về đại hội những giọt mồ hôi rát mặn/Nhưng chứa đầy những khát vọng Trường Sa/Là khát vọng đưa Tổ quốc vươn xa/Là khát vọng xây Trường Sa xanh mãi…".
Ngoài ra, đề thi còn sử dụng nhiều ngữ liệu trong tuyến bài viết về Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024 với chủ đề "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đăng trên Báo Thanh Niên trong tháng 5.2024.
Là một người trẻ trở về sau chuyến Hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương" năm 2024, Nguyễn Khắc Quốc Huy, Bí thư Đoàn P.8 (Q.10, TP.HCM), cũng vô cùng xúc động khi tình yêu của người trẻ trong đoàn hành trình dành cho biển, đảo Tổ quốc đã được lan tỏa trong đề thi văn vào lớp 10.
Giáo viên nhận xét đề ngữ văn thi lớp 10 điểm 8 sẽ tăng hơn
"Mình rất vinh dự khi được thấy chuyến hành trình ý nghĩa của tuổi trẻ cả nước được đưa vào đề thi môn ngữ văn lớp 10 của TP.HCM năm nay. Bản thân là một thành viên của chuyến hành trình sau khi trở về mình luôn thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu về những hình ảnh, những tư liệu chính thống về biển, đảo Việt Nam. Cũng như được các anh, chị tại đơn vị mời chia sẻ những cảm xúc, trải nghiệm của bản thân khi được đến thăm các vùng biển, đảo ở Trường Sa".
Huy cho rằng trong giai đoạn hiện nay, các bạn trẻ là những thế hệ Z, được tiếp xúc rất nhiều với các thông tin trên mạng xã hội từng giây, từng phút nên việc để các bạn hiểu đúng, biết đúng về các sự kiện, thông tin chính thống của đất nước ta trước những thông tin sai lệch trên các nền tảng là một trong những vấn đề rất quan trọng. Vì khi các bạn biết đúng, hiểu đúng chính các bạn sẽ có niềm tin vào sự dẫn dắt của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có một lòng tin vững chắc về biên giới, biển, đảo Việt Nam từ đó sẽ đưa ra những hành động thiết thực cho bản thân để rèn luyện, cống hiến và xây dựng đất nước.
Bình luận (0)