Có gì đặc biệt ở chai trà sữa giá 1 triệu đồng?

04/11/2021 07:05 GMT+7

Một người đàn ông mua chai trà sữa 1 lít với giá 100.000 đồng nhưng lại chuyển khoản 1 triệu đồng để trả. Điều gì đặc biệt ở chai trà sữa khiến vị khách này hào sảng như vậy?

Đó là chai trà sữa đặc biệt của cô chủ trẻ Nguyễn Phan Chiêu Ngân (30 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM). Khởi nghiệp với thương hiệu trà sữa Nhà Ngoại được chưa đầy 1 tháng thì đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, cô phải ngừng hết hoạt động kinh doanh.

Trong khó khăn, nhiều người cố gắng xoay xở đưa doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh, cô gái trẻ lại chọn cách bán trà sữa gây quỹ hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Điều đặc biệt, khi cuộc sống trở lại bình thường mới, thay vì chọn tái khởi động kinh doanh, Chiêu Ngân vẫn tiếp tục bán gây quỹ và cầm cự cuộc sống bằng tiền tiết kiệm của mình.

“Lỡ có xài hết tiền tiết kiệm thì mình cố gắng đi làm và tích góp lại sau, nhưng người khó khăn sau dịch là những người cần được giúp đỡ nhiều nhất nên mình cùng các anh chị khác cứ góp sức giúp được phần nào tốt phần đấy”, Chiêu Ngân bày tỏ.

Ước mơ với… trà sữa

Chọn một loại thức uống chịu sự cạnh tranh rất cao trên thị trường hiện nay để khởi nghiệp, Chiêu Ngân cho biết cô đến với việc kinh doanh trà sữa không phải do cơ duyên mà là ước mơ của bản thân.

Ngân chăm chút từng chai trà sữa bán gây quỹ hỗ trợ người khó khăn và tuyến đầu chống dịch

NVCC

“Không hiểu sao trà sữa có sức mạnh vô hình với mình. Từ khi còn nhỏ, bao nhiêu tiền dành dụm, tiền ăn sáng, ăn xế được bà ngoại cho hằng ngày cũng để dành, đến khi đủ tiền mua 1 ly trà sữa là mình lại rủ nhỏ bạn đạp xe đi mua về uống. Từ đó mình nghĩ đến một thời điểm nào đó sẽ mở một quán trà sữa cho riêng mình, với khẩu vị cũng như công thức của riêng mình”, cô chủ trẻ kể.

Sau nhiều lần suy tính, cuối cùng Chiêu Ngân liều mình khởi nghiệp và xem đó như món quà sinh nhật tròn 30 tuổi.

Dù mới mở, nhưng với những “màu sắc” rất riêng nên thương hiệu trà sữa của Ngân được nhiều bạn trẻ yêu thích và ủng hộ.

Nhưng thật không may, mới mở quán vào đầu tháng 4 thì tháng 5 dịch bùng lại, cầm cự thêm 1 tuần Ngân phải quyết định ngưng bán. “Vì mình bán tại nhà có ông lớn tuổi, lại có em bé nhỏ nên dù đã nhập hàng về trước đó khá nhiều, dù đã đóng thuế cho quý 2 mình vẫn quyết định dừng kinh doanh để đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Khó khăn lớn nhất lúc đó của mình là hàng tồn kho quá nhiều sẽ phải bỏ hết nếu ngừng kinh doanh”, Ngân kể.

Bán trà sữa hỗ trợ chống dịch

Khi hỏi động lực từ đâu khiến Ngân bỏ qua một bên những khó khăn của việc kinh doanh để toàn tâm hỗ trợ chống dịch, Ngân bày tỏ: “Gia đình mình vốn không khá giả, nhưng dù khó khăn như thế nào bà ngoại cũng chưa một lần bỏ mặc khi thấy ai đó gặp khó khăn. Có ít thì giúp ít, có nhiều thì ngoại lại giúp nhiều người hơn. Rồi khi tụi mình lớn lên, có những đồng tiền lương đầu tiên trong tay, thì cũng là lúc bà rời đi. Nên cả ba chị em về sau thay ngoại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình”.

Những bộ đồ bảo hộ mua từ tiền bán trà sữa được chuyển đến hỗ trợ tuyến đầu

Chính vì thế, khi dịch bệnh bùng phát, thấy những lời kêu gọi hỗ trợ, Ngân cũng rất muốn xin đi làm tình nguyện viên, nhưng nghĩ lại bản thân không đủ sức khỏe thì vô tình lại trở thành vật cản cho người khác, thế là Ngân giúp sức bằng cách của riêng mình.

“Mình đọc được chia sẻ của anh nhiếp ảnh gia Kim Bánh Trôi Nước và một chị phóng viên đi trao quà hỗ trợ cho những người bán vé số, hàng rong thất nghiệp do dịch. Thế là mình mạnh dạn nhắn tin ngỏ lời mình có trà sữa, mùa dịch nhiều quán đóng cửa nhưng mình vẫn có thể bán online để gây quỹ. Từ đó mình phối hợp với hai anh chị để cùng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong dịch và hỗ trợ tuyến đầu chống dịch”, cô chủ trẻ nhớ lại.

Điều khiến Ngân hạnh phúc là được nhiều khách hàng rất tin yêu và ủng hộ. Ngân kể: “Có rất nhiều khách khi thanh toán tiền trả sữa đã gửi thêm tiền, có anh chỉ mua lít trà sữa 100.000 đồng nhưng lại chuyển khoản 1 triệu đồng. Hay có bạn ở tận Hà Nội cũng muốn ủng hộ nhưng lại không biết gửi đâu, thế là nhờ bọn mình gửi đến tặng thần tượng…”.

Thế là từ ý định ban đầu là tặng 50 bộ đồ bảo hộ, Ngân đủ kinh phí để gửi 100 bộ L4 (đồ bảo hộ cao cấp nhất) đến Bệnh viện dã chiến Cần Giờ và 50 bộ gửi tặng đội chống dịch tại Q.4.

“Sau đó, tụi mình tiếp tục bán để gây quỹ cho các bệnh viện tiếp theo, thì nhà nước có chỉ thị chỉ được giao hàng thiết yếu, thế nên tụi mình phải tạm ngưng. Nhưng lại đọc được thông tin của Bệnh viện Gia Định, quỹ lúc đó cạn mà lòng thì lại muốn giúp nên bọn mình ứng tiền túi mua 50 bộ L4 gửi tặng bệnh viện, sau đó sẽ bán gây quỹ lại sau”, Ngân chia sẻ.

Điều đặc biệt, cô chủ trẻ tạm gác lại việc mở quán kinh doanh khi địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới, dù có khá nhiều mặt bằng với mức giá rẻ hơn nhiều so với trước nhưng Ngân vẫn tiếp tục bán gây quỹ để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn do dịch.

“Trong suốt 10 năm đi làm, mình cũng tích góp được một khoản nho nhỏ, có thể trang trải cuộc sống. Những người khó khăn sau dịch rất nhiều nên mình muốn dành thời gian này để góp chút sức nhỏ giúp đỡ họ”, Ngân gửi gắm.

Chính vì thế, mới đây, khi Chi đoàn Báo Thanh Niên tại TP.HCM thực hiện chương trình bán hàng gây quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, Ngân đã ngay lập tức đồng ý hỗ trợ trà sữa để chi đoàn bán gây quỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.