Có gì hay ở khu du lịch ở giữa sông, mà nhiều người muốn tới?

23/04/2022 18:10 GMT+7

Với mong muốn phát triển du lịch ở địa phương, nữ sinh viên năm 4 ở Ba Tri, Bến Tre đã quyết định làm khu du lịch giữa sông Hàm Luông.

Trải nghiệm đón hoàng hôn bên Cù Lao Đất năm trong khu du lịch giữa sông Hàm Luông

Duy tường

Dù chưa tốt nghiệp nhưng Bùi Thị Khánh Vy (22 tuổi), sinh viên năm 4 Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, khởi nghiệp với mô hình homestay (loại hình du lịch lưu trú nhà người dân) ngay tại quê ở xã An Hiệp, Ba Tri, Bến Tre.

Homestay của Vy tọa lạc ở Cù lao Đất, nơi nằm giữa sông Hàm Luông, cách đất liền gần 2 km thuộc xã An Hiệp. Nơi đây được phù sa bồi đắp quanh năm, bốn bề sóng vỗ, có diện tích 2,2 km² với khoảng gần 2.000 người. Bà con sống bằng nghề nông như: trồng lúa, mía, nuôi tôm, đánh bắt thủy sản trên sông Hàm Luông...

Đến được Cù lao Đất, mất gần 20 phút qua phà

tấn đạt

Vừa là thách thức vừa là thế mạnh

Khánh Vy cho biết: “Cù lao Đất xã An Hiệp rất ít người biết tới, dù là dân Ba Tri nhưng có thể nhiều người chưa từng được nghe đến cái tên này".

“Tôi chọn một nơi khá hoang sơ và vắng vẻ như thế để khởi nghiệp kinh doanh cũng là một khó khăn, với cái tên Cù lao Đất khá mới mẻ với mọi người mà lại phải cạnh tranh với các nơi du lịch sông nước miền Tây khác thì là một thách thức lớn đối với tôi”, Vy chia sẻ.

Chợ nhỏ ở cù lao Đất

tấn đạt

Cảnh vật nơi đây còn rất hoang sơ

nvcc

“Nhưng đây vừa là thách thức vừa là thế mạnh của Cù lao Đất. Chính vì nét đẹp hoang sơ, cảnh quan sông nước vẫn còn nguyên thủy mà con người chưa khai thác đến, thảm thực vật xung quanh sông là những rặng bần với đàn cò trắng đã thực sự thu hút tôi. Ở đây, không khí mát mẻ, dễ chịu, cảnh vật bình yên cùng với những giai thoại lịch sử. Và đặc biệt đây còn là quê hương của mình nên tôi rất muốn phát triển du lịch để nhiều người biết đến và góp phần phát triển kinh tế nơi đây”, Vy tự hào nói.

Có sự đồng hành của tất cả thành viên hợp tác xã

Theo Vy, trong những ngày đầu mở khu du lịch, khó khăn nhất là kinh nghiệm kinh doanh ít ỏi và ít vốn. Tuy nhiên, cô cảm thấy may mắn vì luôn nhận được sự trợ giúp của mọi người, gia đình và bà con cù lao, đặc biệt là có sự đồng hành của tất cả thành viên hợp tác xã (HTX).

Vy liên kết với người dân địa phương để tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế

nvcc

“May mắn là tôi được biết mô hình HTX hiện nay được nhà nước khuyến khích và có nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ. Tháng 11.2021, HTX Nông nghiệp - Du lịch An Hiệp được thành lập với hơn 90 thành viên, tôi rất hạnh phúc được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Qua sự kiện này, bà con ở HTX sẵn sàng góp vốn, cùng nhau phát triển du lịch tại Cù lao Đất”, Vy chia sẻ.

Đoàn khách đến vui chơi tại khu homestay

nvcc

Từ ngôi nhà cho khách được thiết kế chỉnh chu theo phong cách miệt vườn đến các trò chơi dân gian như: câu cua giải trí, bắt cá tôm tại vuông của người dân, chạy xe đạp tham quan khung cảnh sinh hoạt của người dân xứ cù lao… hay thưởng thức các món ăn đậm chất miền Tây sông nước như: canh chua bần, lẩu chua tương me cá bông lau... đều là ý tưởng của Vy dựng lên rồi cùng liên kết với bà con địa phương trong HTX làm nên để phục vụ khách du lịch.

"Chi phí xây dựng khu homestay không quá cao. Vì đa số các hoạt động đều là trải nghiệm với người dân bản địa, thiên nhiên. Còn về phần quản lý, những lúc rảnh tôi tranh thủ chạy xuống xem tình hình thế, nếu việc học nhiều quá thì sẽ có người điều hành thay...", Vy nói.

Vy khởi nghiệp khi còn trên ghế nhà trường nhờ mô hình hợp tác xã

tấn đạt

Nữ sinh viên cho hay mô hình homestay của HTX thu hút được một số nhà đầu tư và các doanh nghiệp lữ hành, nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định về mặt tuyển dụng nhân sự.

Sống ở homestay như được hòa mình với thiên nhiên 100%

tấn đạt

Con đường vào khu "homestay" của Vy còn rất hoang sơ. Tại đây, có hơn 10 phòng ngủ cho khách lưu trú lại

nvcc

"Đầu năm 2022, khu du lịch tiếp đón được đoàn khách đầu tiên hơn 10 người. Tôi thực sự rất vui khi nhận được phản hồi hài lòng từ họ. Thời gian này, tôi tiếp tục nghiên cứu và học hỏi nhiều hơn về cách quản lý và xây dựng, phát triển loại hình du lịch mà tôi đang hướng tới. Hiện nay, mọi hoạt động marketing, quảng bá chủ yếu dựa vào mạng xã hội", Vy thông tin.

Vy cho biết sau dịp tết năm 2022, lượng khách đến đều đặn vào cuối tuần, đa số là dân ngoài tỉnh. Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên liên kết với người dân, cô còn đưa du khách đến các địa điểm văn hóa - lịch sử như miếu Bà chúa xứ, miếu Lang lại Đại tướng quân tại cù lao. Trong tương lai, HTX sẽ ra mắt các hoạt động trải nghiệm và sản xuất nông nghiệp để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Đa số người dân ở cù lao nuôi tôm công nghiệp

tấn đạt

"Tôi đang gấp rút chuẩn bị tốt nghiệp đại học nên mọi hoạt động của "homestay" ở thời điểm này đều được quản lý thông qua họp trực tuyến", Vy cho biết.

Nữ sinh viên năm 4 chia sẻ việc khởi nghiệp chắc chắn có rất nhiều khó khăn phải đối mặt. Cô nghĩ rằng chặng đường sắp tới sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị và học được những bài học đầu tiên trong việc kinh doanh và sẵn sàng đứng lên sau những thất bại.

"Tôi không muốn đến lúc nào đấy khi nhìn lại khoảng thời gian thanh xuân của mình, mà tôi không có nhiều trải nghiệm, không dám làm những gì mình đã từng ước mơ thì thực sự là một điều tiếc nuối", Vy tâm sự.

Ông Trương Trung Tính, Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho hay HTX Nông nghiệp - Du lịch An Hiệp gồm có 96 thành viên hầu hết là người dân địa phương tham gia, Khánh Vy giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

"Hiện tại, khu homestay của Vy là điểm đến du lịch duy nhất tại Cù lao Đất. Dù nữ sinh viên năm 4 chỉ mới đi những bước khởi nghiệp đầu tiên, nhưng thật sự tôi đánh giá cao việc phát triển du lịch địa phương này, nhờ đó mà Cù lao Đất được nhiều người biết đến hơn, hoạt động này cũng giúp cho bà con ở đây có thêm nguồn thu nhập", anh Tính nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.