Chiều 16.1, tại Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp Bộ KH-ĐT tổ chức hội thảo "Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam".
Theo Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Mỹ, Singapore, Trung Đông, Thuỵ Sĩ rất quan tâm đến phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại.
Về mô hình chung, TP.Đà Nẵng đề xuất phát triển hệ sinh thái của trung tâm tài chính đa thành phần, tập trung theo 3 nhóm dịch vụ.
Thứ nhất là cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh, trong đó có các dịch vụ tài chính gắn liền với sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Thứ hai là các dịch vụ fintech và techfin như cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain…; đồng thời cung cấp không gian ươm tạo cho các startup, các công ty fintech tìm kiếm sự tăng trưởng, đổi mới và quốc tế hóa.
Thứ ba là các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, casino, cho thuê, định giá bất động sản và các tài sản liên quan để tạo hệ sinh thái đa dạng, phát triển Đà Nẵng theo định hướng trung tâm tài chính và giải trí thế giới.
"Để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính, TP.Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất 6,17 ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích", ông Minh nói.
Đà Nẵng cũng bố trí khu đất 9,7 ha để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính nằm liền kề Khu công viên phần mềm số 2 - một khu vực trọng điểm thu hút các công ty công nghệ tiên tiến với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin chất lượng cao.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đỗ Thành Trung, Đà Nẵng cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số). Cùng đó, cần tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại trung tâm tài chính.
Cơ chế ưu đãi đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Theo ông Andy Khoo, Tổng giám đốc Tập đoàn Terne Holdings, để định vị Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính tiếp theo của Đông Nam Á, cần tập trung vào 3 trụ cột chiến lược gồm: tài chính xanh, đổi mới fintech và tài chính thương mại.
"Đà Nẵng có thể trở thành một sandbox (chính sách thử nghiệm có kiểm soát - PV) cho các startup trong các lĩnh vực blockchain, thanh toán kỹ thuật số, các giải pháp tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo thế hệ mới", ông Andy Khoo nói.
Nhấn mạnh quản trị là nền tảng của bất kỳ trung tâm tài chính thành công nào, theo ông Andy Khoo, đối với trung tâm tài chính tại Đà Nẵng, điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo sự độc lập trong quy định, tính minh bạch, cách tiếp cận chính sách có tầm nhìn xa.
Bằng cách thiết lập một cơ quan quản lý tự chủ theo mô hình của Dubai, trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng có thể xây dựng niềm tin và sự tin cậy từ các nhà đầu tư toàn cầu.
"Để đảm bảo rõ ràng về mặt pháp lý, chúng tôi đề xuất thiết lập một khung trọng tài chuyên biệt với đội ngũ chuyên gia quốc tế. Tiếp theo, thuế là một trụ cột quan trọng khác. Việc áp dụng chiến lược thuế linh hoạt sẽ hỗ trợ thu hút đầu tư mà không gây bất lợi cho sự ổn định tài chính", ông Andy Khoo bày tỏ quan điểm.
Theo ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair tại Việt Nam, phân tích về các trung tâm tài chính quốc tế (IFC) hàng đầu bao gồm Singapore, Hồng Kông, Dubai, Abu Dhabi và Astana cho thấy, cơ chế ưu đãi đầu tư cạnh tranh và có trọng tâm, trọng điểm đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư toàn cầu.
Các trung tâm này đã kết hợp thành công ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính, quy trình pháp lý cải tiến và trợ cấp chi phí hoạt động để giảm rào cản gia nhập, tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động tài chính bền vững.
Tuy nhiên, chỉ nên coi cơ chế ưu đãi là công cụ thu hút ban đầu, còn để IFC phát triển, cần cung cấp nền tảng mang tính cơ cấu bao gồm quản trị minh bạch, khuôn khổ pháp lý thuận lợi, hạ tầng tiên tiến và hệ sinh thái hợp tác, qua đó thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng", ông Rich McClellan nói.
Bình luận (0)