MV Nấu ăn cho em được Đen Vâu thực hiện cùng những người bạn lên vùng cao thăm các em nhỏ tại 2 điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sá Tổng (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Khi MV này ra mắt, nhiều người không khỏi tò mò, ngoài những cảnh đẹp, con người, vùng đất ở Mường Chà, thì ở tỉnh Điện Biên còn có những nơi nào vui chơi khác?
Trải nghiệm đời sống của người dân
Theo Trương Khắc Lương (28 tuổi), làm hướng dẫn viên du lịch ở tỉnh Điện Biên, cho hay Mường Chà có tới 13 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc H'Mông chiếm 58%. Nơi đây, sở hữu nhiều cảnh đẹp, có phụ lưu của sông Đà chảy qua...
Chàng trai 28 tuổi chia sẻ đến Mường Chà mọi người có thể khám phá các hang động như: Huổi Cang, Huổi Đáp với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, thỏa mãn niềm đam mê khám phá của những người yêu thiên nhiên. Rồi trải nghiệm đời sống đồng bào, tìm hiểu về văn hoá thêu tay của người Xạ Phang thuộc nhóm dân tộc Hoa.
"Tại Mường Chà mọi người còn được trải nghiệm đặc sản địa phương đó là dứa mật Mường Chà của đồng bào người H'Mông gánh xuống ven đường bán. Hoặc du khách có thể lên tận vườn dứa ngọt trên những đèo cao để tham quan, thưởng thức, mua ủng hộ bà con. Rồi mình đi sâu trong lòng núi, trải nghiệm đời sống vất vả của người dân, tặng bánh kẹo cho những trẻ em", Lương nói.
Khung trời đẹp khó tả...
Không riêng gì Mường Chà, tại tỉnh Điện Biên còn có nhiều địa điểm vui chơi khác mà người trẻ không thể bỏ qua.
Hồi tháng 4.2023, anh Nguyễn Văn Bảy (34 tuổi), sống ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM có chuyến đi du lịch ở tỉnh Điện Biên.
"Theo lịch trình, mình sẽ có chuyến bay thẳng từ TP.HCM đến tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, ngày mình khởi hành thì gặp thời tiết không thuận lợi, do đó mình phải quá cảnh ở sân bay Hà Nội, rồi đi xe khách lên tỉnh Điện Biên", anh Bảy nói.
Tại tỉnh Điện Biên, ngày thứ nhất chàng trai 34 tuổi khám phá một vài điểm ở trung tâm TP.Điện Biên Phủ như: Đồi A1, Hầm Đờ Cát.
Vào ngày thứ 2, anh Bảy khám phá A Pa Chải thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách TP.Điện Biên Phủ 250 km, là điểm cực Tây của Tổ quốc, nơi có cột mốc phân chia ranh giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc.
Theo anh Bảy quãng đường di chuyển đến A Pa Chải từ TP.Điện Biên cả đi và về là khoảng 500 km. Nên anh chọn điểm dừng hợp lý là ở Mường Nhé làm điểm trung chuyển lên A Pa Chải.
"Mình vui chơi, ăn uống tại Mường Nhé rồi mới theo đoàn (cùng các anh ở đồn biên phòng) men theo vách núi, đi bộ vài cây số trên đường bê tông nhỏ, dốc và leo hơn 500 bậc thang mới lên tới cột mốc. Từ điểm cao của cực Tây Tổ quốc, nhìn ra xa là một không gian bao la, núi rừng hùng vĩ, trùng điệp. Với mình, nơi đây có khung trời đẹp khó tả, nắng, núi đồi và cây xanh tạo nên nhiều ánh nhìn thu hút", anh Bảy nói.
Sau khi check-in tại cột mốc, anh Bảy xuống lại Mường Nhé để nghỉ ngơi, lấy lại sức cho hành trình tiếp theo. "Ngày thứ 3, 4 mình khám phá một số địa điểm ở tỉnh Điện Biên như: Ngã ba Chà Cang, Mường Tùng, Mường Lay, Thị trấn Tủa Chùa, Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Khu Tái Định Cư Huổi Loóng, Cầu treo Pa Phông.
"Đến cao nguyên đá Tả Phìn mình được tận hưởng khí hậu mát mẻ, ngắm phong cảnh yên bình và chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc nghệ thuật thành cổ xưa, chứa đựng nhiều huyền thoại đó là Thành Vàng Lồng", chàng trai 34 nhớ lại.
Ngày thứ 5, anh Bảy đến thị trấn Tủa Chùa. Nơi đây, có chợ phiên, bà con bày bán rất nhiều sản vật địa phương. "Mặc dù đường đi đến Tủa Chùa khá xấu nhưng bù lại có phong cảnh đẹp và chưa bị du lịch hóa. Với lại, cung đường này rất ít cây xăng. Mình đã mang theo một bình 1,5 lít và cứu cánh được 2 lần", anh Bảy cho lời khuyên.
"Trước khi đi du lịch tỉnh Điện Biên, mình cũng đã tham khảo và xin kinh nghiệm của các bạn đi trước. Đến những vùng cao nhiều khi điện thoại mất sóng, không biết đường, nhưng tới các ngã ba, ngã tư đều có biển báo, chỉ đường nên mình đi cũng dễ, có một vài đoạn không có bảng chỉ dẫn thì mình hỏi người dân...", anh Bảy thông tin.
Bình luận (0)