Cô H’Je bên các em học sinh - Ảnh: Trùng Dương |
Gặp cô, chúng tôi ấn tượng ngay về sự chân tình, mộc mạc, gần gũi như những người Ba Na cư ngụ lâu đời bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng. Cô H’Je bảo: “Mình tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Gia Lai từ năm 1989, thời ấy ở làng ít có người học lên cao lắm, thậm chí nhiều người còn mù chữ nữa”. Người dân tộc thiểu số tốt nghiệp CĐ sư phạm lúc bấy giờ là “của hiếm” nên lập tức H’Je được phân công về công tác tại Ban Nghiên cứu giáo dục thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai - Kon Tum.
Với bao tâm huyết, nhiệt tình và hiểu cặn kẽ các phong tục tập quán, chữ viết, tiếng nói của người bản địa, H’Je có công lớn trong việc nghiên cứu viết sách chữ song ngữ Ba Na, Jơ Rai…
Năm 1991, tỉnh Gia Lai - Kon Tum tách thành 2 tỉnh, cô H’Je về nhận nhiệm vụ tại tỉnh Kon Tum. Ông Bùi Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Hồng Thái, cho biết: “Cô H’Je là người thuộc thế hệ đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng của ngành giáo dục tỉnh nhà”. Năm 2002, Bộ có chủ trương biên soạn sách tiếng Ba Na, cô H’Je được giao nhiệm vụ này. Thế là cô lao vào tìm tòi những từ ngữ gần gũi, dễ hiểu nhất để đưa vào chương trình.
Khắp các nẻo buôn làng, chỗ nào có các em bỏ học, mọi người lại thấy cô giáo H’Je lặn lội đến vận động, dùng lời lẽ thấu tình đạt lý để giải thích cho các em hiểu, phụ huynh thấy được lợi ích từ việc học hành để các em không bỏ học giữa chừng. Miệt mài, chăm chỉ và yêu nghề, cô được nhà trường giới thiệu đi thi giáo viên giỏi cấp thành phố và đạt giải cao.
Trùng Dương
Bình luận (0)