Tốt nghiệp ngành công tác xã hội vào năm 2013, cô Huyền bắt đầu trở thành một giáo viên dạy cho những trẻ em mắc phải hội chứng tự kỷ, tăng động, chậm nói và gặp nhiều vấn đề khác. Cô nói rằng bản thân đến với công việc này là một cái duyên.
“Ngành học của tôi thường đi đến những cơ sở cộng đồng, chính tại những nơi đó tôi đã được gặp và tiếp xúc với trẻ đặc biệt. Nên khi ra trường, tôi đã tìm đến những trường chuyên biệt để bắt đầu công việc”, cô Huyền kể lại.
Một buổi học tại nhà của cô Huyền |
Thượng Hải |
Cô Huyền bắt đầu làm việc tại Trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí (TP.HCM) từ năm 2014 và đã gắn bó với ngôi trường này gần 8 năm. Sau dịch, vì lý do gia đình thay đổi chỗ ở và gia đình đón thêm thành viên mới nên cô phải dừng công việc tại trường. Tuy nhiên, cô Huyền vẫn tiếp tục công việc dạy trẻ đặc biệt. Hiện tại, cô đang can thiệp 1:1 cho hai trẻ tại nhà.
Cô Huyền đã dành một phòng riêng để làm phòng học thu nhỏ với rất nhiều dụng cụ và đồ chơi can thiệp dành cho trẻ đặc biệt, mà đa phần là do cô tự tay làm như: “hộp bận rộn”, “sách nông trại”, “bảng ghép hình”… từ vải nỉ và một số vật dụng khác.
“Trong quá trình can thiệp đòi hỏi phải có những món đồ chơi phù hợp cho từng trẻ và đồ chơi phải phong phú thì các con không bị nhàm chán, ví dụ như luyện thổi cho các con cũng phải có nhiều dụng cụ như: kèn, hộp thổi xốp, thổi bombom, thổi nước, thổi nến… nên buổi tối hoặc cuối tuần tôi thường dành thời gian tìm ý tưởng và làm đồ chơi để can thiệp cho các con được tốt hơn”, cô Huyền cho biết.
Cô Huyền còn lập kênh TikTok “Mẹ bé Quỳnh” với mong muốn chia sẻ cách làm những món đồ chơi này để phụ huynh có thể tự làm và can thiệp cho con tại nhà. Dù mới lập được hơn 2 tháng, nhưng kênh cũng đã thu về hơn 1 triệu lượt xem video, 32.000 lượt thích và gần 7.000 lượt theo dõi.
Theo cô Huyền, mỗi học trò mà cô dạy có những khó khăn khác nhau, có em nhạy cảm với tiếng ồn, có em sợ tiếp xúc với người lạ hoặc có những hành vi như la hét, vẩy tay… Vì vậy, giáo viên cần phải hiểu và nắm bắt tâm lý của trẻ thật tốt để biết trẻ thích và không thích điều gì, những khó khăn mà trẻ đang gặp phải để từ đó có hướng can thiệp phù hợp với từng trẻ.
“Tôi luôn mong các em khi được can thiệp sẽ được tiến bộ và nhận được nhiều sự yêu thương của mọi người. Và mong người lớn đừng nóng vội phán xét các em là trẻ hư. Vì con đang gặp khó khăn nên mới có những hành vi như vậy. Và đối với những phụ huynh có con em đặc biệt thì hãy đối xử với trẻ bằng tình yêu đặc biệt hơn, đồng hành và chấp nhận con mình”, cô Huyền bộc bạch.
Bình luận (0)