Một phụ huynh có cháu học lớp 3A8 Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội bức xúc phản ánh: Cháu tôi về kể trong lớp có nhiều bạn bị cô giáo dán băng dính vào mồm vì lỗi nói chuyện riêng. Sau khi các phụ huynh phản đối, cô giáo còn lý giải đó là… phương pháp sư phạm của cô.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Trần Hồng Hạnh, Trưởng ban phụ huynh lớp 3A8, có 2 con (song sinh) học tại lớp này cho biết con bà cũng bị cô giáo phạt như vậy một lần. Cảm giác ban đầu của tôi cũng rất bức xúc, làm bố làm mẹ ai cũng xót con, nhưng sau đó cô có gọi điện xin lỗi và nói đó chỉ là hành động bộc phát của cô, do cô không kiềm chế được cơn nóng giận khi học sinh nói chuyện quá nhiều…
Sáng nay (6.12), PV Thanh Niên đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Liệt. Tại đây, bà Hạnh xác nhận sự việc và cho biết, cô Phùng Hồng Anh là giáo viên trẻ (25 tuổi), mới tốt nghiệp ra trường năm 2015 và là 1 trong 8 giáo viên mới được nhận thử việc tại trường từ năm học này, được phân công chủ nhiệm lớp 3A8 với hơn 50 học sinh.
|
Theo báo cáo của trường gửi Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội và quận Hoàng Mai ngày 5.12, chiều ngày 23.11, cô giáo Phùng Hồng Anh, trong khi dạy có nhiều học sinh mất trật tự, nhưng vì chưa có kinh nghiệm, cô đã dán băng dính vào miệng một số em nói chuyện riêng. Báo cáo này cũng cho biết, khoảng ít phút sau cô đã trấn tĩnh lại và xin lỗi các em học sinh, tối đi làm về cô đã gọi điện cho Trưởng ban phụ huynh học sinh của lớp và từng phụ huynh có con bị phạt xin lỗi về việc làm của mình.
Ngày 23.11, cô Phùng Hồng Anh cũng làm đơn xin thôi thử việc tại trường. Trong lá đơn này, cô Hồng Anh viết: “Mặc dù nhận được sự chia sẻ, thông cảm của các cha mẹ học sinh trong lớp, nhưng sau sự việc xảy ra, tôi thấy mình thật có lỗi và tự bản thân thấy mình cần phải kiềm chế. Tôi cần phải có thêm thời gian suy nghĩ lại việc mình đã làm và cần phải học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, học hỏi giáo viên lâu năm để có kinh nghiệm trước khi giảng dạỵ”.
tin liên quan
Những hình phạt học sinh kỳ quáiBắt học sinh tụt quần trong lớp, liếm ghế, nhúng đầu vào nước bẩn,
ăn ớt... là cách phản cảm mà một số giáo viên dùng để phạt khi học trò
của mình chưa ngoan.
Hành vi không thể chấp nhận
Theo biên bản họp Ban giám hiệu Trường tiểu học Hoàng Liệt vào lúc 11 giờ ngày 24.11, Ban giám hiệu nhà trường đã thống nhất và nghiêm túc rút kinh nghiệm với cô Phùng Hồng Anh về sự việc nêu trên, yêu cầu cô rút ra bài học sâu sắc cho bản thân mình và đồng ý cho cô nghỉ dạy thử việc tại trường đồng thời báo cáo với Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hoàng Mai.
Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh cũng cho biết: "Nhà trường đã thông báo sự việc trên vào cuộc họp hội đồng sư phạm tháng 12 này để toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên rút kinh nghiệm về việc làm của cô Phùng Hồng Anh".
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Hạnh nêu quan điểm: Hành động phạt học sinh của cô Hồng Anh là rất phản sư phạm và thậm chí nguy hại đến sức khỏe của trẻ nên dù lý giải là do bộc phát hay nóng giận thì cũng không thể chấp nhận được.
Bà Hạnh cũng bật khóc khi bày tỏ sự thất vọng về một giáo viên trẻ, đang trong quá trình thử việc, trong khi nhiều sinh viên sư phạm ra trường đang thất nghiệp, không tìm kiếm được việc làm, thì lẽ ra cô Hồng Anh phải nỗ lực hết sức, đằng này…
Bà Hạnh còn cho chúng tôi xem bản cam kết thực hiện quy định đạo đức nhà giáo mà cô Phùng Hồng Anh đã kí ngày 12.10 vừa qua, khi được nhận thử việc tại trường. Bản cam kết này, cô Hồng Anh cũng viết: “Nếu vi phạm, tôi xin chịu trách nhiệm trước tập thể nhà trường”.
Sau sự việc xảy ra, đến này Trường tiểu học Hoàng Liệt đã hoàn thành việc bố trí, bàn giao hồ sơ cho cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hồng, một giáo viên lâu năm đã có biên chế trong ngành vào chủ nhiệm chính thức lớp 3A8.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh, ông Tiến đã trực tiếp yêu cầu lãnh đạo trường Tiểu học Hoàng Liệt báo cáo.
Ông Tiến cũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Sở Giáo dục với nhà trường là phải xử lý nghiêm, không thể lý giải vì nghiệp vụ non kém vì đây là vấn đề đạo đức tối thiểu của nhà giáo, ai chọn nghề này cũng phải ý thức được điều đó. Đây cũng là bài học cần cảnh báo tới giáo viên toàn ngành để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc tương tự.
Bình luận (0)