Cô giáo dạy học bằng kỹ thuật 'XYZ' khiến học sinh hứng thú

27/04/2022 12:11 GMT+7

Sử dụng kỹ thuật “ổ bi” và “XYZ” trong dạy học tích cực , cô giáo Lê Thị Ngọc Mai, giáo viên, Bí thư Đoàn Trường THPT Thanh Ba (H.Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), đã giúp học sinh hứng thú với môn học địa lý.

Cô giáo Lê Thị Ngọc Mai, Bí thư Đoàn Trường THPT Thanh Ba (H.Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) vừa được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng của T.Ư Đoàn đã gây ấn tượng với 9 sáng kiến được công nhận từ năm 2015 đến nay.

Cô giáo Lê Thị Ngọc Mai được trao giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022

bảo anh

Dạy học tích cực

Một trong những sáng kiến được áp dụng triển khai là “Sử dụng kỹ thuật ổ bi và kỹ thuật XYZ trong dạy học địa lý tại Trường THPT Thanh Ba”. Với việc áp dụng hai kỹ thuật dạy học tích cực này, cô Mai đã giúp học sinh hứng thú với môn địa lý.

Chia sẻ về sáng kiến này, cô Mai cho biết, trong quá trình dạy học, cô muốn học sinh phát triển năng lực hợp tác làm việc, khả năng giải quyết vấn đề, nên đã ứng dụng kỹ thuật dạy học ổ bi và XYZ vào trong giảng dạy môn địa lý lớp 12.

“Đây là hai kỹ thuật nhỏ áp dụng vào dạy học để khắc phục tình trạng có học sinh không tham gia khi hoạt động nhóm.

Kỹ thuật XYZ là một kỹ thuật làm việc nhóm nhằm phát huy tính tích cực của mỗi thành viên trong nhóm, trong đó mỗi nhóm có X thành viên, mỗi thành viên cần đưa ra Y ý kiến trong khoảng thời gian Z.

Mô hình thông thường mỗi nhóm có 6 thành viên, mỗi thành viên cần đưa ra 3 ý kiến trong khoảng thời gian 5 phút, do vậy, kỹ thuật này còn gọi là kỹ thuật 635”, cô Mai chia sẻ.

Cô Mai cũng cho biết, kỹ thuật "ổ bi" là một kỹ thuật dùng trong thảo luận nhóm, trong đó học sinh chia thành hai nhóm, ngồi theo hai vòng tròn đồng tâm như hai vòng của một ổ bi và đối diện nhau để tạo điều kiện cho mỗi học sinh có thể nói chuyện với lần lượt các học sinh ở nhóm khác.

Cô giáo Lê Thị Ngọc Mai cùng các học sinh

nvcc

Việc áp dụng phương pháp dạy học theo nhóm thông qua các kỹ thuật ổ bi và XYZ trong dạy học địa lý 12 đã giúp cho học sinh tiếp thu bài nhanh hơn, hiệu quả hơn trong thời gian 45 phút trên lớp. Sau các bài kiểm tra đánh giá kết quả học tập bộ môn của học sinh khối 12 cao hơn.

Chia sẻ về ý tưởng triển khai việc dạy học theo kỹ thuật này, cô Mai cho biết, chương trình mới, sách giáo khoa mới được biên soạn theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Điều đó, đáp ứng yêu cầu và góp phần tạo động lực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục. Vì vậy, việc áp dụng những phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực vào trong quá trình dạy học là hết sức cần thiết.

Học sinh hứng thú hơn

Sáng kiến này được cô Mai áp dụng từ năm 2019, sau đó được tiếp tục triển khai ở khối lớp 11 và cũng cho kết quả khả quan.

“Qua quá trình thực hiện, khảo sát sáng kiến năm học 2019 - 2020 tôi thấy kết quả học tập bộ môn của học sinh khối 12 tiến bộ rõ rệt. Vì vậy, tôi bắt đầu sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy địa lý 11, nhằm giúp học sinh có khả năng nhận thức kiến thức và tự hoàn thiện kiến thức”, cô Mai nói.

Với việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực giúp cô Mai trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh

nvcc

Sau khi áp dụng ở khối lớp 11, kết quả qua các số liệu thống kê kết quả khảo sát đã khẳng định hiệu quả của kỹ thuật dạy học tích cực “ổ bi” và “XYZ” trong quá trình giảng dạy.

"Kết quả học tập bộ môn của những học sinh được theo dõi, đều có điểm trung bình môn học cao hơn, các em hiểu bài hơn và có hứng thú với môn học hơn.

Đồng thời, các em tham gia hoạt động nhóm tích cực hơn, có trách nhiệm hơn, từ đó bước đầu hình thành cho các em năng lực tự học, sáng tạo, hợp tác... Đây là cơ sở quan trọng để cho tôi cũng như các giáo viên dạy địa lý Trường THPT Thanh Ba đổi mới hướng ra đề kiểm tra đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh”, cô Mai bày tỏ.

Không chỉ có sáng kiến này, trong quá trình dạy học, với vai trò là Bí thư Đoàn Trường THPT Thanh Ba, cô Mai còn có rất nhiều sáng kiến khác đóng góp cho phong trào Đoàn và đổi mới phương pháp giáo dục học sinh.

Từ năm 2015 đến nay, cô đã có 9 sáng kiến cấp cơ sở được triển khai và công nhận. Trong đó có sáng kiến “Xây dựng cẩm nang giáo dục giới tính - Sức khoẻ sinh sản vị thành niên cho học sinh trường THPT Thanh Ba”; “Xây dựng và sử dụng hiệu quả sơ đồ địa lý nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn địa lý ở Trường THPT Thanh Ba”; “Phương pháp khai thác số liệu thống kê trong dạy học địa lý ở Trường THPT Thanh Ba”; “Đổi mới kiểm tra đánh giá trong giảng dạy môn địa lý lớp 10 Trường THPT Thanh Ba’’…

Cô Mai là một Bí thư Đoàn trường năng động và có nhiều sáng kiến trong công tác Đoàn

nvcc

Những sáng kiến của cô Mai đã được đánh giá là tạo nên sự phong phú về phương pháp giảng dạy, phù hợp với xu thế mới lấy học sinh làm trung tâm. Đồng thời, các phương pháp này đã giúp học sinh hứng thú trong học tập và nắm chắc kiến thức.

Cô Mai đã được chứng nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của ngành giáo dục, đào tạo và nhận được bằng khen của T.Ư Đoàn. Năm 2022, cô Mai là một trong 94 cán bộ Đoàn tiêu biểu của cả nước được trao giải thưởng Lý Tự Trọng của T.Ư Đoàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.