Là một giáo viên dạy IELTS có tiếng ở Hà Nội, cô Nguyễn Diệu Linh (sinh năm 1989) dù rất bận rộn nhưng vẫn muốn có thời gian ở bên cạnh đứa con 8 tuổi. “Từ đó, tôi đã nghĩ đến việc tạo ra một sân chơi giáo dục cho chính con trai và mình, giúp hai mẹ con có thể kết nối với nhau nhiều hơn vào mỗi cuối tuần”, cô Linh chia sẻ.
Cô Nguyễn Diệu Linh |
NVCC |
Sân chơi giáo dục không khoảng cách
Thế là, vào tháng 4.2021, người mẹ yêu thích giáo dục trẻ em quyết định thành lập dự án nhỏ mang tên CHOI. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng nên chương trình đầu tiên mới được chính thức tổ chức vào ngày 26.3.2022 dưới hình thức workshop.
Cô Diệu Linh và con trai cùng tham gia workshop |
NVCC |
Các workshop được tổ chức với nhiều hoạt động trải nghiệm từ STEM (làm mô hình: máy bay chạy nước, khinh khí cầu bay…), DIY (làm mô hình đầu khủng long, mô hình máy bay, nghệ thuật tạo hình với giấy bồi…) cho đến handmade (làm tranh hoa khô, làm gấu nhồi bông…) và mỹ thuật (vẽ, trang trí).
“Thông qua workshop, tôi muốn tạo sân chơi chung giúp các bé làm quen, tương tác với bạn mới, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và sự tự tin trước đám đông”, cô Linh cho biết.
Sử dụng đồ cũ bỏ đi…
Đáng chú ý là nguồn vật liệu chính phục vụ workshop là đồ tái chế từ rác thải như nhựa (cốc nhựa, chai nhựa, ống hút sử dụng 1 lần) hoặc giấy (giấy báo, giấy in không còn sử dụng), hộp carton…
“Các thành viên thu gom nguyên liệu có thể tái chế để mang đến workshop thực hiện những ý tưởng của mình. Tôi còn tổ chức những buổi nhặt rác ở khu vực mình sống, vừa làm sạch môi trường vừa tìm kiếm đồ dùng có thể tái chế cho chương trình”, Linh nói.
Một buổi hoạt động của các bạn nhỏ tại workshop |
NVCC |
Bên cạnh đó, cô giáo dạy IELTS tìm kiếm các hướng dẫn xây dựng mô hình để triển khai cho phụ huynh và học sinh, đồng thời chủ động sáng tạo ra những mô hình mới lạ để người tham gia workshop thêm phần thích thú.
Ban đầu, không có nhiều phụ huynh hưởng ứng vì họ bận rộn nên cho con đồ chơi và tự chơi thay vì chơi cùng con hoặc họ cũng có thể tự tái chế sáng tạo đồ chơi cho con mình mà không cần phải tham gia chương trình.
“Vì thế, cả nhóm tỉ mỉ làm ra các mẫu đồ chơi 54 speedy với những hình thù dễ thương về 54 dân tộc Việt Nam. Từ đó, các em nhỏ dưới 3 tuổi có thể học màu sắc, các bạn lớn hơn một chút thì học cộng trừ và cũng thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm. Ngoài ra, nhóm mình còn gửi đường dẫn chi tiết cách chơi và cách tạo các sản phẩm tái chế. Nhờ đó, các bố mẹ đã dần thích thú tìm đến workshop và nhiều phụ huynh còn chơi say sưa hơn cả con”, cô Linh kể.
Các bạn nhỏ cùng bố mẹ say sưa xây dựng mô hình |
NVCC |
Sau 4 tháng hoạt động, cô đã tổ chức được hơn 30 workshop, thu hút 200 lượt khách tham dự bao gồm gia đình (ba/mẹ, bé) và cả những bạn trẻ 18 - 30 tuổi.
Kể về câu chuyện đáng nhớ trong lúc tổ chức workshop, cô Linh chia sẻ: “Tôi chứng kiến hai bạn nhỏ đã đi ra thùng rác và nhặt lại chiếc cốc nhựa bố vừa bỏ vào thùng rác sau khi uống cà phê. Hai con còn nói với bố rằng: nếu bố có cốc nhựa thì đừng vứt đi, trao cho con để tái chế và biến chúng thành đồ có ích”.
Niềm vui của gia đình khi có sản phẩm |
NVCC |
Trải qua 2 workshop, chị Vũ Khánh Thương và con gái Lê Bảo Ngọc (5 tuổi) vẫn mong muốn được tiếp tục tham gia các buổi tiếp theo. "Tôi và con tham gia một buổi làm rối bằng tay - học tiếng Anh và một buổi làm máy bay. Con rất năng nổ với các hoạt động trong workshop. Về nhà, con còn bảo bố mẹ cùng tự làm những mẫu đồ chơi khác", chị Thương (ngụ Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Trong thời gian tới, cô Linh tiếp tục phát triển workshop cho bố mẹ và các con được cùng nhau vừa chơi vừa học và hướng đến bảo vệ môi trường.
Bình luận (0)