Cô giáo đội mưa, bùn đất lấm lem đến trường gây xúc động

04/12/2021 16:53 GMT+7

Cô giáo mầm non bùn đất lấm lem, từ túi đồ đến áo quần cũng nhuốm đầy màu đất bì bõm vượt đường xa đến trường gây xúc động. Đó là con đường mà hàng ngày cô giáo mầm non Đỗ Thị Thanh Bình vẫn đến trường.

Lội bùn, đội mưa đến trường

Cách đây ít ngày, hình ảnh cô giáo Đỗ Thị Thanh Bình, Trường mầm non Bình Minh (xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) được chia sẻ trên một trang dành cho giáo viên, nhanh chóng thu hút gần 5.000 lượt thích, hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận.

Nhiều người không khỏi cảm phục, xúc động trước hình ảnh cô hiệu phó một trường mầm non vùng cao lội bộ, đẩy theo chiếc xe máy chất đầy đồ qua vũng bùn đỏ quạch trên đường đến trường.

Nhiều đoạn, xe đẩy không được cô phải nhờ người dân, đồng nghiệp hỗ trợ. Cùng có những đoạn đường bị sạt lở đầy bùn đất, cô tất tả đội mưa bì bõm lội bộ trong tình trạng người lấm lem bùn đất, điều đặc biệt là dù hoàn cảnh thế nào thì nụ cười vẫn thường trực trên môi. Điều này khiến không ít người cảm phục.

Hình ảnh nữ giáo viên mầm non khiến nhiều người cảm phục khi bì bõm lội bùn đến trường

nvcc

Chia sẻ về những hình ảnh của mình, cô Đỗ Thị Thanh Bình cho biết đấy là những hình ảnh đời thường của mình và hầu hết giáo viên vùng cao, vùng xa khác.

Làm quản lý nhưng cô Bình gắn với những hình ảnh cực kỳ giản dị, cô tham gia đúc gạch, xây trường; sẵn sàng vác bao thực phẩm nặng trên vai băng qua núi rừng để tiếp tế lương thực cho các điểm trường vùng sâu khác.

Trường mầm non nơi cô Đỗ Thị Thanh Bình làm việc nằm ở xã cao vùng “cao và khó khăn nhất” của huyện Trạm Tấu. Đường đến trường cách nhà 30 km nên hàng ngày cô đều phải chạy xe đi về hơn 2 giờ đồng hồ. Những ngày nắng thì đường dằn xóc, gồ ghề và bụi mù mịt còn về mùa mưa việc đi việc đến trường được ví như đi “lội ruộng”.

Theo lời cô Bình, nhà cô ở huyện khác, từ nhà tới trường còn nhiều đoạn đường là đường đất, đường núi nhiều khi còn gặp sạt lở… Cứ mỗi khi vào mùa đông, lạnh cắt da cắt thịt, đặc biệt những ngày mưa những đoạn đường đất nhầy nhụa cả nước lẫn bùn, giáo viên cứ thế bì bõm đi qua. Nhiều đoạn bị sạt, xe không đi được thì cứ thế lội bộ…

Cô Thanh Bình trên đường đến trường vào những ngày mưa gió

nvcc

“Mọi người nhìn vào thì thấy vậy thôi, chứ thật tình mình làm việc ở đây hơn 11 năm giờ mưa bão, lội bùn gì cũng quen hết rồi”, cô Bình chia sẻ.

Dù học trò 100% là người dân tộc Mông nhưng cô Bình cho biết do dân trí ngày càng cao, phụ huynh dù ở vùng cao nhưng cũng rất quan tâm đến việc học hành của con nên việc huy động trẻ đến trường không còn khó khăn như trước đây. Và niềm vui của các cô giáo mầm non ở đây là chăm sóc, thực hiện công tác giáo dục đầu đời cho những em bé người dân tộc.

Biết cực nhưng quyết về quê hương làm việc

Như nhiều trường vùng cao khác, Trường mầm non Bình Minh ngoài trường chính thì còn nhiều điểm trường cắm ở các thôn bản khác nhau, giáo viên làm việc ở các điểm trường rất khó khăn vì cơ sở vật chất còn tạm bợ, là những ngôi nhà lắp ghép lại thiếu và rất khó tuyển giáo viên.

Cách đây gần 13 năm, sau khi tốt nghiệp Trường CĐ sư phạm mầm non Hà Nội, cô Bình vào làm việc ở một trường mầm non tư thục ở thủ đô nhộn nhịp. Nhưng vốn là người con của tỉnh Yên Bái, cô mong mỏi được về quê hương công tác. Thế là chỉ hơn một năm sau đó, dù công việc đang tốt nhưng cô vẫn quyết định về vùng cao miền núi làm việc.

Quyết tâm là thế nhưng theo cô Bình, như bao giáo viên trẻ khác khi xách ba lô đặt chân đến ngôi trường mình dạy nằm cao chót vót lưng chừng đồi thì không khỏi chùn chân. Lúc đó, chưa lập gia đình, từ nhà cô lên trường cách xa cả 120 km, mỗi lần tới nơi phải mất hơn 3 giờ.

Trường nằm ở vùng cao, đường đến trường khá vất vả nhưng với những cô giáo, họ đã quen cuộc sống nơi đây

nvcc

“Quê mình cũng thuộc vùng cao, nhưng không cao như ở đây. Lúc đầu mới về thì khó khăn rất nhiều, nhưng với mình bây giờ đây là quê hương, vùng đất đơm trái ngọt khi mình lập gia đình và sinh sống ở đây luôn”, cô Bình chia sẻ thêm.

Kể cả hiện tại, khi đã có gia đình riêng, có con nhỏ nhiều lần mưa gió, cô phải ở lại trường cả tuần vì đường đi lại khó khăn. Nhưng vì những bạn nhỏ nơi đây nên chưa một lần cô nghĩ tới việc thuyên chuyển công tác.

“Gia đình nhiều lần bảo mình về gần nhà làm, nhưng gắn bó lâu với học trò, người dân ở đây nên mình mình chưa nỡ lòng nào đi được. Bản thân là người vợ, người mẹ còn có con nhỏ ở nhà nhiều khi không có thời gian chăm sóc gia đình vì cứ ở trường suốt. Nghĩ thương con, nhưng cũng lỡ thương những đứa trẻ nơi đây nên mình cứ thế mà gắn bó mãi nơi này”, nữ giáo viên tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.