“Giải cứu” nông sản, sao không “giải cứu” giáo viên mầm non
Chúng tôi đến trước cổng Trường mầm non tư thục Ngôi nhà trẻ thơ thấy ngôi lều lá với dòng chữ rất ấn tượng “giải cứu giáo viên mầm non”. Nhóm cô giáo đều ở độ tuổi 9X chân mang dép lê, đầu đội nón lá mời gọi rất nhiệt tình: “Chị ơi, uống nước mát ủng hộ cô giáo mầm non đi ạ”.
|
Chia sẻ với người viết, Thanh Thị Kim Anh (23 tuổi, giáo viên Trường mầm non Ngôi nhà trẻ thơ) không kìm được cảm xúc: “Tụi mình vào đây từ mùng 5 tết, có ai ngờ đâu dịch bệnh phải nghỉ, lúc đầu là 1 tuần, sau thêm 1 tuần rồi giờ đến hết tháng 2, mà tình hình này không biết phải đến bao giờ nữa. Không biết sống sao nên mấy chị em mới rủ nhau nấu nước mát để bán, rồi mua thêm nước rửa tay về bán để kiếm thêm”.
Kim Anh kể chiếc lều nhỏ nhắn xinh xắn này do chính tay các cô giáo trẻ cùng chú bảo vệ tỉ mỉ ngồi cột, đóng và ghép thành. Tất cả những thanh tre nhỏ, lá dừa lợp mái… đều tận dụng từ lễ hội mùa xuân trước tết của trường.
|
Bắt đầu bán từ chủ nhật (16.2) nhưng mấy ngày đầu không đông khách do nằm ngay trên quốc lộ, chủ yếu chỉ bán cho khách vãng lai. Ngày cao nhất bán được 200.000 đồng, tương đương với tiền lời khoảng 50 - 70.000 đồng. Có ngày chỉ bán được 100.000 đồng, nên đến 19.2, ngồi buồn buồn vì bán ế khách, nhóm 5 cô giáo bắt đầu nảy ra ý tưởng: “Mọi người đang kêu gọi giải cứu nông sản, giáo viên mầm non tụi mình cũng đang thất nghiệp và không có tiền sinh sống, tại sao mình không kêu gọi mọi người giải cứu giáo viên mầm non”. Thế là dòng chữ “giải cứu giáo viên mầm non” ra đời.
Nhiều người ủng hộ
Theo Nguyễn Thị Bích Ngọc (24 tuổi, cô giáo trong nhóm), từ ngày dựng dòng chữ này lên có vẻ mọi người thương tình nên ghé ủng hộ nhiều hơn. Nhưng do lần đầu phải làm người bán hàng rong bất đắc dĩ nên nhóm cô giáo gặp phải những tình huống “dở khóc dở cười”. “Tụi mình chưa bao giờ bán hàng như thế này, nên mấy lần bị lừa, có người đến mua nước mát, nước rửa tay rồi bảo quên mang tiền, nhà gần sẽ về rồi quay lại ngay, nhưng đi luôn mấy ngày nay chẳng thấy tăm hơi. Thế là mất toi cả vốn của một ngày bán, khổ rồi còn gặp eo nữa”, cô Ngọc kể.
|
Khi chúng tôi đặt vấn đề sao không tính chuyện về quê, đợi có lịch dạy lại rồi hãy vào thì cô Ngọc giãi bày: “Ba mẹ cũng gọi về, nhưng lúc đầu mình nói nghỉ có một tuần thôi mà về sẽ tốn tiền tàu xe, rồi tốn thời gian nữa. Lần sau thêm một tuần mình cũng nói thôi con ráng ở lại, cũng chỉ có tuần thôi. Nhưng rồi cứ thế, hết tuần này đến tuần khác và đến giờ luôn ạ”.
Hiện tại, ngoài nước mát và nước rửa tay, buổi tối các cô giáo còn được cô hiệu trưởng hỗ trợ giày dép để bán kiếm thêm tiền lời.
“Nghỉ quá dài ngày vì dịch bệnh, tụi mình đã quá nhớ học trò mà học trò cũng nhớ cô giáo. Nói thật chỉ mong dịch mau hết để được đi dạy lại, chứ như thế này mãi cũng không biết sao, làm sao mà “giải cứu cô giáo mầm non” mãi được”, Kim Anh bày tỏ.
Bình luận (0)